Mặc dù JBS đã sớm khôi phục lại mạng lưới an ninh và hoạt động dự kiến trở lại vào hôm nay (3/6), nhưng sự vụ lần này cho thấy nhiều cơ sở, nhà máy quan trọng đang dễ tổn thương trước sự tấn công của các nhóm hacker.
Mục tiêu của vụ tấn công lần này là chi nhánh JBS tại Mỹ, thuộc nhà máy cung cấp và đóng gói thịt lớn nhất thế giới. JBS cho biết các hacker đã gây ảnh hưởng tới một số máy chủ của tập đoàn tại các cơ sở ở Bắc Mỹ và Australia.
Trụ sở chính của JBS tại Brazil cũng đã cho dừng các hệ thống bị ảnh hưởng. Đáng nói, JBS cung cấp tới 1/5 lượng thịt lợn và thịt bò cho người tiêu dùng toàn nước Mỹ. Vì vậy, việc bị ngưng trệ hoạt động khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ có ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt, khi giá thành sản phẩm này vốn đã tăng nhiều trong thời gian qua. Còn tại Australia, ngay lập tức 10.000 công nhân nhà máy đã phải tạm nghỉ không lương do vụ hack.
Từ vụ tấn công mạng đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline tháng trước, các chuyên gia an ninh mạng đưa ra cảnh báo rằng, dường như hiện ngành nào cũng đứng trước nguy cơ bị hacker tấn công mạng.
Nhân viên làm việc tại nhà máy chế biến thịt Swift & Co., thuộc sở hữu của công ty JBS, ở Rosario, Argentina. (Ảnh: Getty)
"Có thể thấy một điểm chung là các công ty, tập đoàn bị hack ở đây đều thuộc những ngành không liên quan đến công nghệ nên khả năng tự vệ trước tin tặc của họ không cao. JBS chẳng hạn, chỉ hoạt động trong ngành chế biến đóng gói thịt, nên có thể họ không có trình độ công nghệ tốt. Dù vậy, tôi rất ấn tượng với khả năng khôi phục hệ thống nhanh chóng của JBS", ông Mark Ostrowski, Kỹ sư trưởng tại Check Point, cho biết.
Tháng trước, đường ống dẫn dầu cực kỳ quan trọng Colonial Pipe bị hack cũng khiến đường lưu chuyển năng lượng và nhiên liệu ở Bắc Mỹ ảnh hưởng nặng nề trong gần 1 tuần và trực tiếp gây ra tình trạng khủng hoảng, thiếu xăng để bán tại nhiều thành phố lớn của Mỹ.
Một điểm chung giữa 2 vụ hack là đều do một nhóm hacker tại Nga gây ra. Một cảnh báo nữa được chuyên gia đưa ra là vai trò của Bitcoin, của tiền kỹ thuật số trong những vụ giao dịch trái phép liên quan tới tấn công mạng.
"Giao dịch bằng tiền kỹ thuật số sẽ giúp hai bên giữ kín danh tính của mình, qua đó rất khó để biết được kẻ nào gây ra vụ hack, hay số tiền chuộc sẽ đi về đâu. Liên kết 2 yếu tố này lại, có thể thấy giữa tiền kỹ thuật số và những vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc có mối quan hệ với nhau", ông Mark Ostrowski cho biết thêm.
Thư ký Nhà Trắng Mỹ thông báo rằng vụ hack vào nhà máy thịt lần này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp mặt giữa tháng này với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Được biết, nhóm hacker tại Nga có biệt danh là Revil. Trước đó, Revil cũng đã nổi tiếng với vụ tấn công mạng nhằm vào một nhà cung cấp thiết bị cho hãng Apple.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!