Cả Hà Nội và TP.HCM đều đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều nơi ở Hà Nội trong những ngày qua có nhiệt độ cao nhất từ 37-39 độ, có nơi trên 40 độ. Còn tại các tỉnh Nam Bộ cũng có nhiệt độ cao nhất từ 32-36 độ.
Dưới đây là những sai lầm khi sử dụng điều hòa trong thời tiết nắng nóng và những điều cần quan tâm để đảm bảo sức khỏe, cũng như tránh hỏng hóc các thiết bị điện trong gia đình.
Trời càng nóng, bật điều hòa càng thấp càng dễ hỏng
Các dòng điều hòa thông thường chỉ chịu được công suất khi ngoài trời đạt từ 42-45 độ C. Nếu ngoài trời đạt nhiệt độ cao hơn mức đó thì điều hòa sẽ chạy mãi mà không tới được mức nhiệt yêu cầu, từ đó khiến điều hòa chạy liên tục mà không được nghỉ ngơi, lâu dài sẽ dẫn tới hỏng
Đây là hệ quả thực tế bắt nguồn từ tâm lý người ta khi trời càng nóng thì càng muốn vào phòng mát. Do đó, rất nhiều người tại gia đình hoặc văn phòng để nhiệt độ thấp, từ 16-20 độ C. Đây càng là lý do khiến điều hòa dễ hỏng.
Với những ngày nắng nóng cao điểm như thế này, người dùng nên chỉnh nhiệt độ ở mức cao, thậm chí lên tới 30 độ. Dù không mang lại cảm giác "mát lạnh" nhưng hành động này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người và máy.
Hiện tượng sốc nhiệt và những hiểm nguy không lường trước
Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp còn dẫn tới nguy cơ sốc nhiệt.
Theo các chuyên gia y tế, sốc nhiệt là tình trạng khi con người đang ở môi trường điều hòa mà bước ra môi trường nóng đột ngột, hoặc ngược lại, như trường hợp đang ở môi trường quá nóng ở bên ngoài và bước vào xe hơi hoặc phòng có nhiệt độ thấp.
Hiện tượng sốc nhiệt xảy ra phổ biến khi nhiệt độ bên ngoài đạt khoảng 39 độ C.
Dấu hiệu nhận biết một người bị sốc nhiệt là thân nhiệt cao, không có mồ hôi, khó thở, da nóng đỏ và khô, có hành vi kỳ lạ, ảo giác…
Không mở cửa sổ, giữ không khí cũ quá lâu trong phòng
Nguyên nhân là bởi không khí cũ trong phòng không được lưu thông triệt để, phòng có quá nhiều thán khí, mà không khí tươi mới lại thiếu trầm trọng.
Những căn phòng diện tích nhỏ mà lại nhiều đồ đạc kê ngổn ngang càng dễ gặp phải tình trạng này hơn.
Việc lưu ý để không khí lưu thông trong phòng cũng rất quan trọng. Thông thường trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiều hộ gia đình thường bật điều hòa 24/24 để "trốn nóng". Nhưng rồi lâu ngày cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán ăn.
Để khắc phục, chúng ta nên mở cửa sổ, cửa chính vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, sau đó bật quạt tản rộng khắp phòng để không khí được lưu thông.
Điều hòa bật mãi nhưng không mát
Theo thống kê, hầu hết máy lạnh tại khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh miền Bắc là dòng 1 chiều, chỉ được dùng chủ yếu vào mùa nóng, và gần như bị "bỏ quên" tại các thời điểm khác trong năm.
Chính bởi lý do này đã khiến nhiều hộ gia đình không làm sạch khay lọc bụi định kỳ, khiến bụi bám vào và giảm khả năng làm mát của máy.
Cần lưu ý rằng tấm lọc bụi điều hòa có chức năng lọc bụi trong không khí trước khi đi qua dàn lạnh và quạt dàn lạnh. Đây là bộ phận rất cần thiết đối với điều hòa bởi lượng bụi trong không khí là rất lớn, nếu không lọc cẩn thận, bụi sẽ bám trên dàn lạnh gây hỏng hóc, hoạt động kém hiệu quả. Do đó, cần vệ sinh hệ thống lọc bụi định kỳ từ 3-6 tháng để đảm bảo cho thiết bị chạy ổn định nhất.
Bên cạnh đó, điều hòa hết gas là căn bệnh thường gặp trên các máy điều hòa nhiệt độ sau khi đã sử dụng được một thời gian dài. Dấu hiệu nhận biến khi hết gas là khi điều hòa được bật lên ở chế độ làm mát nhưng không thấy hơi mát tỏa ra, hoặc có nhưng rất yếu cho dù đã về nhiệt độ thấp nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!