Novaon đồng hành trong công cuộc xây dựng nền kinh tế số bền vững

P.V-Thứ bảy, ngày 08/01/2022 19:05 GMT+7

ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon - phát biểu tại hội thảo

VTV.vn - Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm", Chủ tịch Tập đoàn Novaon đã chia sẻ về lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam.

Kinh tế số là một trong ba trụ cột quan trọng để Việt Nam tiến hành chuyển đổi số toàn diện gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển và đẩy mạnh nền kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Chính phủ đặt ra trong bối cảnh mới.

Để phát triển và xây dựng nền kinh tế số vững mạnh tại Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương đã cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm". Hội thảo diễn ra với sự góp mặt của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu như PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; bà Phạm Chi Lan - nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch VCCI; ông Vũ Hoàng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon - đã đưa ra các đóng góp dưới góc nhìn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy một nền kinh tế số Việt Nam bền vững. Thiết lập mục tiêu rõ ràng, xây dựng tư duy sandbox và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ là 3 đóng góp quan trọng mà ông Quý đưa ra trong phiên thảo luận.

Để nền kinh tế số tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng 100 tỷ USD vào năm 2022 theo Chỉ thị 58, Chính phủ cần đặt ra những mục tiêu thực tiễn và cụ thể, doanh nghiệp Việt có thể bám sát và nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu lớn đề ra.

Chính phủ cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế sandbox - giải pháp giảm thiểu rào cản về pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là khung thể chế cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn. Đơn cử như cơ chế sandbox đã được áp dụng với Grab, giúp doanh nghiệp này mở rộng mô hình kinh doanh từ một ứng dụng taxi công nghệ sang dịch vụ giao hàng nhanh, ship đồ ăn, trung gian thanh toán. Như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội được đổi mới sáng tạo, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh nhờ cơ chế sandbox.

Ông Quý cũng nêu ra thực trạng tại Việt Nam trong việc triển khai cơ chế sandbox chưa thật sự rõ ràng và cần được phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều vấn đề liên quan tới luật pháp chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh mới mẻ này.

Điều đó dẫn tới hậu quả, các doanh nghiệp Việt chỉ có thể phát triển và triển khai thực tiễn mô hình kinh doanh mới theo hai cách. Cách 1 là ứng dụng mô hình kinh doanh mới một cách e dè, không đầu tư mạnh tay. Cách 2 là thành lập start-up để phát triển, đầu tư cho mô hình kinh doanh mới tại Singapore - "thiên đường" khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh: "Tư duy sandbox chắc chắn phải rất mạnh mẽ, điều đó sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp Việt được phát triển và tăng trưởng trong một ngành mới như chuyển đổi số".

Đóng góp cuối cùng được ông Quý đề cập tại phiên thảo luận là việc đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số toàn diện.

"Nếu chúng ta muốn phát triển nền kinh tế số thật sự bùng nổ, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phải huy động, tập trung xây dựng một nguồn lực hỗ trợ lớn mạnh để đạt được mục tiêu đề ra" - Ông Quý khẳng định.

Những nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số có thể kể đến như: chính sách hỗ trợ kỹ thuật; phát triển nền tảng số; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kinh tế số

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước