Một trong những câu chuyện chiếm nhiều dung lượng nhất các trang tin tuần qua là biến cố nhân sự cao cấp ở OpenAI. Việc Giám đốc điều hành Sam Altman của công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới này bị sa thải và được bổ nhiệm lại không chỉ làm rung lắc các con số trên thị trường, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Ông Sam Altman đã trở lại với OpenAI, kết thúc một tuần hỗn độn tại thung lũng Silicon và thế giới của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhưng biến cố ở OpenAI vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà báo giới ở Mỹ đi tìm câu trả lời.
"Liệu AI có đe doạ đến nhân loại hay không" - Trang tin Market Watch chạy dòng title. Tờ này bình luận, việc Altman trở lại và một số thành viên Hội đồng Quản trị của OpenAI phải rời đi có thể xoa dịu vấn đề. Nhưng câu hỏi còn đó là tại sao Altman lại bị sa thải? Nghi vấn ban đầu được cho là Altman đã thiếu minh bạch khi kêu gọi những khoản đầu tư bên ngoài.
Nhưng một giả thuyết có vẻ chắc chắn hơn được hãng Reuters đưa ra là quyết định sa thải Altman một phần do Hội đồng Quản trị đã nhận được cảnh báo về kết quả vượt bậc của một dự án có tên gọi là Q-Star của OpenAI. Trong đó, mô hình trí tuệ nhân tạo không chỉ còn biết tổng hợp, giải thích và sáng tạo thông tin mà đã có thể học và giải được toán, mang đến triển vọng đột phá trong nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo tổng hợp, thông minh hơn con người. Đây là điều mà một số thành viên trong Hội đồng quản trị của OpenAI lo ngại nếu không được quản lý sát sao.
Chuyện lục đục trong các công ty không phải là mới nhưng OpenAI không phải là một công ty bình thường, tờ Nytimes bình luận. Đây là công ty tạo nên ChatGPT, một sản phẩm công nghệ phát triển nhanh nhất mọi thời đại và thạm vọng xây dựng siêu trí tuệ điện tử vượt trên con người.
OpenAI có lẽ chỉ là mặt trận uỷ nhiệm trong cuộc chiến lớn hơn của kinh tế thế giới. Đó là làm sao để kiểm soát công cụ AI hữu hiệu và liệu rằng khu vực tư nhân sẽ phát triển công cụ này một cách có trách nhiệm.
Rõ ràng là không thể dựa vào những lời hứa và cam kết của các CEO. Bởi ngay chính họ cũng không thể chắc chắn về tương lai của mình như câu chuyện của Sam Altman tại OpenAI.
Như vậy, không chỉ Mỹ mà các quốc gia đều cần thiết lập cơ chế quản trị, quản lý và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Phải làm sao để những công nghệ của tương lai thực sự phục vụ con người, thay vì là một mối đe doạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!