Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Long Trần-Thứ tư, ngày 10/07/2024 12:29 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có cơ hội để khẳng định là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn thế giới. Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn càng có động lực vươn xa khi nhu cầu thị trường đối với những con chip AI đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.

Cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu những năm gần đây đã và đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Năm 2023, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia kinh tế, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1.

Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Trong số đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng khi thu hút một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… tới đầu tư xây dựng nhà máy.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Hiện tại, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới. Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thách thức trên con đường trở thành mắt xích quan trọng

Dù sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua để trở thành tâm điểm trong chuỗi đầu tư giá trị bán dẫn toàn cầu.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Ngoài Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT đã tham gia vào công đoạn thiết kế chip bán dẫn, phần lớn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp và kiểm định.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 2.

Chip 5G do chính các kỹ sư của Viettel nghiên cứu và sản xuất (Ảnh: Viettel)

Theo số liệu từ Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ, đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 76% nhân lực. Với tốc độ phát triển này, nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng bổ sung chỉ đạt khoảng 20%.

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu xây dựng "Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Mục tiêu là đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo; đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án gồm: đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050", muc tiêu là đến năm 2030 sẽ hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 doanh nghiệp chế tạo và 10 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Dự thảo Chiến lược đề ra những giải pháp về: cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện về thể chế; hỗ trợ tài chính, đầu tư; chính sách thuế và tài khóa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây là những cơ sở quan trọng đóng góp phần đảm bảo đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn được đào tạo.

Để Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội "hiếm có" này và tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước