Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động

H.T-Thứ tư, ngày 06/09/2017 15:34 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017

VTV.vn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 bàn về chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Sáng nay (6/9), Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit) đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội với chủ đề "Việt Nam - Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư". Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 650 đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định: "CMCN lần thứ 4 chúng ta đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này, chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Chúng ta phải dấn thân hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng này".

Phó Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội phải kết nối với nhau, chia sẻ với nhau, cùng phối hợp hành động để tạo nên sức mạnh vì CMCN lần thứ tư là chia sẻ, là kết nối. Phó Thủ tướng yêu cầu: phải xây dựng hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đi trước một bước so với nhu cầu phát triển đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng, 4G, tiến tới 5G; đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn hơn nữa trong, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và thuê dịch vụ CNTT. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, Ngành, Hiệp hội, Doanh nghiệp phải nghiêm túc rà soát và thực hiện 6 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Vietnam ICT Summit 2016 năm trước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ cũng đề xuất: thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN lần thứ 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động - Ảnh 1.

PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA trao kỷ niệm chương cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: "Trước thực tiễn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa và phạm vi tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và đang từng bước gõ cửa từng gia đình, chạm đến từng người trong chúng ta, VINASA và Ban tổ chức đã chọn chủ đề của Diễn đàn năm nay về chuyển đổi số trong CMCN lần thứ 4, với nội dung chính tập trung thảo luận về xây dựng chiến lược chuyển đổi số của việt Nam; phát huy các thế mạnh kinh tế số của Việt Nam; phát triển thành phố thông minh; xây dựng hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, thức đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đây đều là những vấn đề quan trọng được nêu ra trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ".

Tại Diễn đàn, TS. Võ Chí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW và Lãnh đạo của Microsoft Việt Nam cũng đã có bài báo cáo chính về sự phát triển mạnh mẽ của CMCN lần thứ 4 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, mạnh mẽ trong cuộc cách mạng này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động - Ảnh 2.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận CMCN lần thứ 4: Tọa đàm 1: "Nhận thức về Việt Nam trong CMCN lần thứ 4"; Tọa đàm 2: "Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh"; Tọa đàm 3: "Thành phố thông minh/Smart City"; Tọa đàm 4: "Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp".

Theo kế hoạch, vào 16h50 cùng ngày, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của Thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc Diễn đàn.

06 NHIỆM VỤ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC GIAO TẠI VIETNAM ICT SUMMIT 2016

Một là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng nhanh cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế "dân số vàng" thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ. Việt Nam phải trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới.

Năm là, từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường,… đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sáu là, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước