"Think Different", dám nghĩ khác và làm khác - huyền thoại Steve Jobs là người luôn có những tư duy và cách suy nghĩ luôn làm mọi người cảm thấy bị bất ngờ và cảm thấy lạ lẫm, nhưng chính điều này đã mang đến sự thành công cho "triều đại" của Apple ngày hôm nay.
Guy Kawasaki - một cựu nhân viên của Apple từng làm việc dưới thời Steve Jobs nói rằng "vị thuyền trưởng" chỉ có 2 thang điểm duy nhất để đánh giá dành cho nhân viên của mình: Một là "cực kỳ tuyệt vời", hai là "tầm thường".
"Có những ngày ông ấy (Steve Jobs) ấn tượng với thành quả của tôi, và có những ngày chỉ như muốn sa thải tôi", Guy Kawasaki chia sẻ trong một bài viết gần đây. "Nhưng điều này luôn đem tới sự thú vị".
"Tôi sẽ không đánh đổi thời gian được làm việc dưới thời Steve Jobs cho bất kỳ công việc nào mà tôi từng trải qua, và bất kỳ ai từng làm việc cho Apple dưới thời kỳ Macintosh đều sẽ nghĩ như vậy", Kawasaki khẳng định. "Chính nhờ công việc ấy đã khẳng định sự nghiệp và tính cách của tôi".
Guy Kawasaki cũng chia sẻ 9 bài học đóng vai trò thay đổi cuộc sống một cách rõ rệt nhất mà ông học được từ Apple:
1. Chỉ có xuất sắc mới quan trọng
Steve Jobs là một trong những lãnh đạo hiếm hoi đã nâng tầm phụ nữ lên để đảm nhiệm các vị trí có quyền lực dưới thời của ông, trước khi xã hội kêu gọi bình đẳng giới. Ông ấy chỉ đơn giản là không quan tâm đến giới tính, khuynh hướng tình dục, chủng tộc, tín ngưỡng hay màu da. Ông chia thế giới thành hai nhóm: "Cực kỳ tuyệt vời" và "tầm thường".
2. Khách hàng không thể nói với bạn rằng họ cần gì
Đầu những năm 1980 là giai đoạn Apple bắt đầu mở bán dòng máy tính Apple II. "Nếu bạn hỏi khách hàng những gì họ muốn, họ sẽ nói Apple II lớn hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Không ai sẽ yêu cầu một máy Mac", Guy Kawasaki nhận định. Tuy nhiên Steve Jobs lại là một người có suy nghĩ khá lập dị, và thậm chí không thèm lắng nghe chính những khách hàng của mình. Rốt cuộc chính điều này đã giúp ông thành công.
3. Thành công đến từ đổi mới
Máy tính Macintosh thành công do đóng vai trò là "đường cong" tiếp theo của mảng điện toán cá nhân. Đó không phải là một cải tiến trên "đường cong" cũ - với sự góp mặt của Apple II hoặc MS ‑ DOS. Đổi mới không đến từ việc nâng cấp một sản phẩm tốt hơn. Nó chỉ xảy ra nếu bạn nhảy sang một "đường cong" tiếp theo.
4. Thẩm mỹ là yếu tố vô cùng quan trọng
Thiết kế có thể không dành cho tất cả mọi người, nhưng nó là yếu tố quan trọng với số đông. Steve Jobs là một người luôn bị ám ảnh với thiết kế, để làm sao cho tuyệt vời hơn, đẹp hơn. Ông bắt nhân viên chú ý đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất, nhưng đó chính là điều khiến Apple thành công.
5. Ít hơn là tốt
Một trong những nguyên lý chính bên trong nỗi ám ảnh về thiết kế của Steve Jobs là niềm tin cho rằng mọi thứ "càng ít càng tốt". Ông là người đề cao sự tối giản. Điều này thể hiện ngay từ trong những slide thuyết trình của Jobs, khi mọi trang đều có cùng tông màu và một vài dòng chữ đơn giản.
6. Thử thách lớn là quên đi những thành tựu lớn
Mục tiêu của Bộ phận Macintosh thời Steve Jobs là ngăn chặn chế độ thống trị toàn cầu của IBM. Chỉ dựa trên doanh số bán máy tính hay doanh thu chưa bao giờ là mục tiêu của Steve Jobs.
7. Thay đổi tư duy là dấu hiệu của thông minh
Khi Jobs công bố iPhone - thiết bị được coi là một hệ thống lập trình khép kín để đảm bảo rằng nó an toàn và đáng tin cậy. Một năm sau, Jobs phát triển nó để có thể sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba và doanh số iPhone tăng vọt. Sự đảo ngược "180 độ" này là một dấu hiệu của trí thông minh và lòng can đảm.
8. Kỹ sư cũng là những nghệ sĩ
Steve Jobs luôn đối xử với các kỹ sư như các nghệ sĩ. Họ không phải là những cỗ máy chỉ có "đầu ra, đầu vào" và được đo bằng các dòng lệnh. Công trình Macintosh được coi là một tác phẩm nghệ thuật của các kỹ sư với hai bảng màu là thiết kế phần mềm và phần cứng.
11. Thành công có thể không thấy trước
Đôi khi, thành công đến với những ai "bỏ ngoài tai" lời không tán đồng để tiếp tục ý tưởng của họ. Các chuyên gia từ Nhật Bản từng nói với Jobs rằng ông đã sai không dưới một lần - thí dụ như Macintosh, iPod, iPhone và các cửa hàng bán lẻ Apple. Thế nhưng ông vẫn làm và thành công. Đôi khi, bạn cần có niềm tin vào một thứ gì đó dù không thấy trước kết quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!