Đây là nhận định do Trung tâm nghiên cứu dự án công nghệ tại Singapore đưa ra trong buổi ra mắt báo cáo “Tiềm năng kinh tế số tại Việt Nam” tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu dự án công nghệ tại Singapore, năm 2014, Việt Nam có khoảng 40 triệu người dùng Internet, chiếm 44% dân số, lọt top 20 nước có nhiều người dùng Internet nhất thế giới. Với mức phí 3G rẻ và sự phổ biến của smartphone, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Báo cáo của Trung tâm này cho rằng, Việt Nam hiện đang là nền kinh tế số non trẻ.
Tiến sĩ John Ure, Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu dự án công nghệ (TRPC) nói: “Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của nền kinh tế số. Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế Internet, có rất nhiều công ty Internet, các nhà cung cấp dịch vụ, các công ty phát triển phần mềm ứng dụng”.
Kinh tế Internet ở Việt Nam chủ yếu dựa trên thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, dịch vụ nội dung Internet hay quảng cáo trực tuyến. Báo cáo cũng cho thấy xu hướng giao dịch thương mại điện tử trên các thiết bị di động. Theo đó, năm 2014, lượng người sử dụng điện thoại thông minh tăng 57% so với năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần PeaceSoft nhận xét: “Việt Nam có lượng sử dụng smartphone lớn, đó là cơ hội lớn để mọi người kết nối với nhau. Khi kết nối sẽ tạo nhiều cơ hội về kinh doanh và phát triển. PeaceSoft cũng như các công ty khác đang nhìn thấy những cơ hội lớn gấp trăm lần cơ hội cách đây vài năm”.
Theo một chuyên gia tại diễn đàn, một nền kinh tế số sẽ cần nguồn nhân lực có kỹ năng và hoạt động đào tạo trực tuyến là không thể thiếu. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ đào tạo trực tuyến có chất lượng vẫn thiếu và việc triển khai còn gặp nhiều thách thức.
Ông Giáp Văn Dương, Người sáng lập Cổng giáo dục trực tuyến GiapSchool chia sẻ: “Thách thức lớn nhất là mô hình này không có mô hình tài chính, nên không có doanh thu và sẽ khó phát triển. Thứ hai, số lượng giảng viên đủ khả năng giảng dạy giáo dục trực tuyến hạn chế. Người học cũng chưa quen với học trực tuyến”.
Theo các chuyên gia, mỗi công việc liên quan đến công nghệ sẽ tạo ra 5-7 công việc ở các ngành liên quan và tăng trưởng 20% trong đầu tư công nghệ thông tin sẽ làm tăng 1% GDP. Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái số với các ngành phụ trợ, các luật lệ minh bạch và nguồn nhân lực chất lượng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.