Sự ra đi của nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking đã để lại rất nhiều tiếc nuối cho người dân trên toàn thế giới. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã chia sẻ những cảm xúc của mình sau khi biết tin buồn này, trong đó có Tim Cook - ông chủ của Apple.
Viết trên Twitter, Tim Cook trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Stephen Hawking và nhấn mạnh, nhà vật lý thiên tài người Anh là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.
"Kẻ thù lớn nhất của kiến thức không phải là không biết gì, mà là sự ảo tưởng về kiến thức" - Stephen Hawking. Cuộc đời và những sáng tạo của ông mãi mãi là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Hãy yên nghỉ", Tim Cook viết.
Ngoài Tim Cook, hôm nay rất nhiều CEO của các hãng công nghệ, các nhà khoa học đã dành những lời tốt đẹp để tôn vinh Stephen Hawking.
CEO Google Sundar Pichai viết lên Twitter: "Thế giới đã mất đi một trí tuệ hoàn mỹ, một nhà vật lý lỗi lạc. Yên nghỉ nhé, Stephen Hawking".
Trong khi đó CEO Microsoft Satya Nadella khẳng định, hôm nay thế giới đã mất đi một con người vĩ đại.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thì viết ngắn gọn và nhiều hàm ý "Có rất nhiều điều thú vị ngoài kia, ở giữa các vì sao".
Cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng viết những dòng chia sẻ về sự ra đi của Stephen Hawking
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh. Ông là nhà khoa học nổi tiếng, nhà vật lý thiên tài, nhà thiên văn học và nhà toán học. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có tác phẩm lọt top bán chạy mang tên A Brief History of Time. Cuốn sách đã bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới.
Dành cả cuộc đời để tìm giải đáp cho những câu hỏi phức tạp nhất của cuộc sống, song bản thân Stephen Hawking cũng là một ẩn số lớn khoa học chưa thể giải mã. Nhiều người thắc mắc làm sao ông có thể kéo dài sự sống tới hơn 50 năm, thay vì chỉ vài năm như dự báo khi mắc một trong những căn bệnh quái ác mà y học thời đó chưa có biện pháp điều trị.
Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ khi còn là một chàng sinh viên 21 tuổi đang theo đuổi luận án tiến sĩ về vũ trụ học tại Đại học Cambridge. Các bác sĩ lúc đó cho rằng Hawking chỉ có thể sống được vài ba năm nữa, thậm chí sẽ không đủ thời gian để ông hoàn tất luận án tiến sĩ.
Vừa chống lại căn bệnh hiểm nghèo, Stephen Hawking vừa theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Căn bệnh khiến ông dành toàn bộ sức lực cho công việc và nhờ sự nỗ lực mạnh mẽ, ông đã có nhiều cống hiến to lớn cho nhân loại.