Sự kiện Marketing Trend Transformation: Gìn giữ chất riêng và bứt phá với phương pháp tiếp thị mới có sự góp mặt của gần 100 khách mời là C-levels, Manager từ nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam
Với mục tiêu giúp doanh nghiệp tinh chỉnh chiến lược tiếp thị nhằm tối ưu hiệu quả chuyển đổi số, sự kiện đã chỉ ra bức tranh tổng quan về thị trường, những số liệu thú vị về các lĩnh vực nổi bật và xu hướng ứng dụng công nghệ trong marketing.
Năm 2023 tiếp tục chứng kiến thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, kéo theo tình hình lạm phát và suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các xu hướng "phygital" (mua sắm kết hợp trực tiếp và trực tuyến), D2C và AI tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược marketing của nhiều thương hiệu.
Sự kiện "Marketing Trend Transformation: Gìn giữ chất riêng, bứt phá với phương pháp tiếp thị mới" do Adsota tổ chức đã đưa ra những giải pháp cụ thể, thực tế để giải quyết những thách thức doanh nghiệp đang đối mặt và củng cố vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Với sự tham gia của gần 100 khách mời thuộc cộng đồng Martech Việt Nam, sự kiện đã tập trung bàn luận, mang tới những chia sẻ giá trị mang tính thực tế.
Với sự góp mặt của 3 diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và công nghệ, chương trình đã chỉ ra những hành vi nổi bật của người dùng thời đại công nghệ cùng các xu hướng tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp cần trang bị kịch bản chiến lược linh hoạt.
74,8% người dùng Internet Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến và xu hướng D2C dự kiến sẽ bùng nổ trong tương lai gần
Theo Statista, tốc độ phát triển E-Commerce tại Việt Nam đạt hơn 20%, dự kiến đến năm 2025 con số này có thể lên đến 29% với giá trị đạt 234 tỷ USD. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất lần lượt là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%). Theo Bộ Công thương, các kênh mua sắm phổ biến nhất được người Việt tin tưởng là các sàn thương mại điện tử (78%), mạng xã hội (42%) và ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động (47%).
Những số liệu trên cho thấy, Omni Channel (Bán hàng đa kênh) và D2C (Direct to Customer) chắc chắn sẽ là những xu hướng nổi bật trong năm tới, đặc biệt ở lĩnh vực F&B, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và thời trang. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, mô hình D2C sẽ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp như cắt giảm chi phí, gia tăng khả năng phát triển sản phẩm, nâng cao tương tác và trải nghiệm khách hàng.
Trong phần đầu của sự kiện, bên cạnh việc giới thiệu Adsota và báo cáo thị trường thường niên Repota 2023, anh Đặng Phú Vinh đã chia sẻ rằng, D2C là xu hướng không thể đảo chiều và các doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh chóng để cân đối nguồn lực nhằm mang lại giá trị tối ưu cho sự phát triển của thương hiệu.
Đồng thời, anh Đặng Phú Vinh cũng khẳng định: "Trước bối cảnh lạm phát, xu hướng siết chặt tiền tệ gây áp lực lên các doanh nghiệp bán lẻ, nhiều ngành hàng sụt giảm doanh thu thì ứng dụng công cụ, công nghệ để giải quyết bài toán tối ưu performance là điều tất yếu quan trọng đối với mọi doanh nghiệp".
Hệ thống theo dõi tự động nhằm tối ưu performance từ bài trình bày của anh Đặng Phú Vinh
Bước đầu tiên để xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, các doanh nghiệp cần trả lời những câu hỏi sau: Nội dung truyền thông nào của thương hiệu đang đem đến hiệu quả kinh doanh tốt nhất? Bài post nào, content nào, hình ảnh nào ở kênh quảng cáo nào (Facebook/Google/Tiktok/Zalo/PR báo chí...) đang đem lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất? Có chắc là những nội dung đem lại giá comment, mess, lead,... thấp nhất hay không? Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống theo dõi tự động một cách tinh gọn và tối ưu để không bị mất kết nối với khách hàng và liên tục cập nhật những nội dung trên các kênh tiếp thị nhằm chạm trúng insight người tiêu dùng.
Với cương vị là đối tác tin cậy của các tập đoàn lớn như Vingroup, Techcombank, Mobifone, Vinaphone..., Adsota tự tin sát cánh cùng các doanh nghiệp triển khai mô hình D2C với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, nhận hoa hồng trực tiếp trên doanh thu tạo ra cho các nhà bán hàng/nhà sản xuất. Ngoài ra, sự kiện Marketing Trend Transformation: Gìn giữ chất riêng bứt phá với phương thức tiếp thị mới đánh dấu sự góp mặt của ADSOTA tại thị trường miền Nam, hỗ trợ thương hiệu triển khai chiến dịch tiếp thị hiệu quả bằng việc kết hợp yếu tố công nghệ, đi sâu vào performance đặc biệt là ngành giáo dục và bán lẻ.
73 triệu người Việt Nam dùng Zalo có thói quen gửi tin nhắn mỗi ngày
Theo báo cáo Decision Lab 2022, Zalo là ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất tại Việt Nam và tạo được sức ảnh hưởng đáng kể trong thị trường, “soán ngôi” cả ông lớn Meta - Facebook, Messenger hay Instagram. Kể từ 2020, đây là năm thứ 2 liên tiếp Zalo giữ vị trí này.
Hơn 10 năm kể từ thời điểm Zalo ra mắt, thống kê cho thấy có khoảng 73,4 triệu người dùng nền tảng này tại Việt Nam với khoảng 2 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Người Việt Nam ưa thích việc chia sẻ, kết nối với gia đình, bạn bè, đối tác cũng như thường xuyên có nhu cầu lưu trữ và gửi các thư mục, tài liệu trên ứng dụng này.
Trong phần giữa chương trình, Anh Duy Nguyễn - Partnership Manager tại Zalo Ads chia sẻ: “Zalo là điểm chạm tiềm năng giữa thương hiệu và khách hàng do tỷ lệ phủ tại Việt Nam khá cao. Hành trình tương tác giữa hai bên sẽ trở nên tối ưu hơn khi ứng dụng chuyển đổi số trên hệ sinh thái Zalo từ giai đoạn giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, tạo nhu cầu, tiếp nhận thông tin, sử dụng dịch vụ cho đến phản hồi và chăm sóc khách hàng.”
Theo anh Duy Nguyễn, hệ sinh thái của Zalo sẽ kết nối doanh nghiệp với khách hàng, giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn và gắn kết sâu sắc hơn với thương hiệu. Tùy thuộc vào từng tệp khách hàng khác nhau, hệ sinh thái Zalo sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.
Xu hướng ứng dụng công nghệ là điều kiện tất yếu giúp doanh nghiệp vươn mình trong thời điểm khó khăn
Ở phần cuối cùng, anh Nguyễn Đắc Tình - Co Founder của LadiPage đã đặt vấn đề: “Đứng trước thách thức từ nền kinh tế, rủi ro trong suy thoái, đâu là hướng đi giúp doanh nghiệp tăng trưởng? Đó chính là công nghệ”. Câu chuyện Martech là sự tổng hòa giữa Marketing (tiếp thị), Technology (Công nghệ) và Management (Quản lý). Nói đến Marketing là nói tới hành trình khách hàng, còn bản chất công nghệ chính là điểm kết nối, là giải pháp thực tế để tối ưu trải nghiệm kể từ khi chưa biết sản phẩm/dịch vụ cho đến biết và sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
Trong khi đó, sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT, OpenAI không hẳn là mối đe dọa đến nguồn nhân lực mà thậm chí còn mang tới nhiều công việc tiềm năng hơn. Chính vì vậy, thay vì sợ công nghệ ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cần mạnh mẽ làm chủ, đầu tư và ứng dụng chúng một cách phù hợp.
Anh Nguyễn Đắc Tình khẳng định: "Làn sóng công nghệ trong vòng 10 năm tới sẽ dịch chuyển theo một hình thái mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo AI sẽ dẫn đầu xu hướng, tiếp sau là Web3 và AR/VR. Đặc biệt, khi mô hình D2C (Direct to customer) trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp sẽ cần chủ động xây dựng website riêng, không phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử và tập trung tối ưu câu chuyện website performance".
Không chỉ có các phần trình bày đến từ ba diễn giả, các khách mời của sự kiện đã gửi trực tiếp các câu hỏi một cách sôi nổi và thẳng thắn các vấn đề. Từ đó, những khó khăn của doanh nghiệp đã được các diễn giả chương trình giải đáp tại chỗ và tạo ra nhiều giá trị thực tế cho khách mời tham dự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!