Google vốn đã tin tưởng rất nhiều vào công nghệ AI và đang từng bước nắm lấy lợi thế từ công nghệ này. Họ thậm chí đổi tên thương hiệu cho bộ phận nghiên cứu của mình thành Google AI.
Song, AI của Google trong một số trường hợp vẫn cho thấy những nhầm lẫn sơ đẳng một cách khó lý giải. Mới đây theo The Verge, AI Google lại tự động gỡ một video do nhầm lẫn nó có nội dung về bạo hành động vật, hay cụ thể hơn là bắt động vật đánh nhau giống như chọi gà, chọi chó,...
Tuy trên thực tế thì video do tài khoản Jamison Go đăng tải này lại chỉ bao gồm những phân cảnh chiến đấu của robot tự chế do anh chàng và những người bạn của mình thực hiện. Và rõ ràng, lĩnh vực "robot sport" (thể thao robot) không hề vi phạm chính sách của Google, YouTube.
"Hôm nay là một ngày thật buồn. Những người chế tạo robot trên toàn thế giới sẽ khóc trong đau đớn khi biết rằng thuật toán của YouTube đã nhầm lẫn thể thao robot thành bạo hành động vật, hay chọi gà", tài khoản Jamison Go đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
Dòng trạng thái được Jamison Go đăng tải đầy bức xúc sau khi anh chàng bị xóa mất hàng loạt video có nội dung về thể thao robot.
Jamison Go cũng cho biết rằng kênh của anh chàng đã bị gỡ mất 9 video do nhầm lẫn của YouTube. Trong khi những người bạn của anh thậm chí còn tổn thất lớn hơn, khi bị mất hàng trăm video.
Theo YouTuber Maker Muse, người từng tham gia thi đấu trong cuộc thi BattleBots mùa 2018, thì kênh của cô cũng bị gỡ hàng loạt video có chủ đề robot chiến đấu.
Tốc độ và số lượng mà các video này bị gỡ xuống cho thấy rằng đây rõ ràng là một sai phạm trong khâu kiểm duyệt nội dung của YouTube. Sau khi nhận được phản hồi, YouTube ngay lập tức lên tiếng, xác nhận rằng các video này bị xóa do lỗi và họ không có chính sách cấm các video về robot chiến đấu tính đến thời điểm hiện nay.
Các nội dung về Robot chiến đấu vẫn được phép đăng tải trên YouTube.
Sự cố này một lần nữa cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa thể đặt trọn niềm tin vào công nghệ AI, khi mà nó chưa đạt đến độ hoàn thiện. Một ứng dụng khác của AI là nhận diện khuôn mặt cũng đang gặp nhiều vấn đề trong khâu áp dụng ra đời thực.
Điển hình như tại South Wales, Anh, nhiều cảnh sát cho biết tính năng nhận diện khuôn mặt trang bị trên đường phố có tỷ lệ thất bại tới 92%. Trong khi đó, một phần mềm thử nghiệm tại Mỹ thì thậm chí nhận dạng nhầm 26 nhà lập pháp bang California (Mỹ) là những tên tội phạm nằm trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!