Giảm chi phí hoạt động của AI là cách để Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ (Ảnh: Financial Times)
Ông Lee Kai-Fu, nhà sáng lập 01.ai và cũng là cựu Giám đốc Google Trung Quốc, cho biết các công ty tại đại lục giảm chi phí bằng cách xây dựng các mô hình được huấn luyện trên lượng dữ liệu nhỏ hơn, yêu cầu ít năng lực tính toán nhưng được tối ưu hóa về phần cứng.
Theo bảng xếp hạng do UC Berkeley SkyLab và LMSYS vừa công bố, mô hình Yi-Lightning của 01.ai đã đứng thứ ba chung cuộc trong số các công ty phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), đồng hạng với mô hình Grok-2 của x.AI, chỉ xếp sau OpenAI và Google. Bảng xếp hạng này dựa trên chấm điểm của người dùng với các câu trả lời truy vấn.
Theo Financial Times, Chi phí suy luận của mô hình Yi-Lightning tại 01.ai là 14 xu cho mỗi một triệu mã thông báo, trong khi mô hình GPT o1-mini của OpenAI có chi phí 26 xu. Trong khi đó, chi phí của GPT 4o lên tới 4,4 USD/mỗi một triệu mã thông báo. Số lượng mã thông báo được sử dụng để tạo phản hồi phụ thuộc vào độ phức tạp của mỗi truy vấn.
Ông Lee cũng cho biết chi phí "huấn luyện ban đầu" của mô hình Yi-Lightning - quá trình huấn luyện trước khi có thể được tinh chỉnh hoặc tùy chỉnh cho các mục đích khác nhau - chỉ vào khoảng 3 triệu USD, một phần nhỏ so với chi phí mà các công ty như OpenAI phải chi cho các mô hình lớn của họ. Ông Lee cũng nói thêm rằng mục tiêu của họ "không phải tạo ra mô hình tốt nhất", mà là xây dựng mô hình cạnh tranh có chi phí "rẻ hơn từ 5 - 10 lần".
Nhiều nhóm AI Trung Quốc, bao gồm 01.ai, DeepSeek, MiniMax và Stepfun, đã áp dụng cách tiếp cận "mô hình chuyên gia", chiến lược kết hợp nhiều mạng nơ-ron được huấn luyện trên các bộ dữ liệu chuyên ngành.
Các nhà nghiên cứu coi cách tiếp cận mô hình chuyên gia là chìa khóa để đạt được mức độ thông minh tương đương như mô hình sử dụng dữ liệu khổng lồ nhưng cần ít sức mạnh điện toán hơn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể dễ gặp rủi ro hơn vì các kỹ sư phải điều phối quá trình huấn luyện giữa nhiều "chuyên gia" thay vì một mô hình duy nhất.
Trong bối cảnh khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và đủ các chip AI cao cấp, các công ty AI Trung Quốc đã cạnh tranh nhau trong năm qua để phát triển các bộ dữ liệu chất lượng cao nhất nhằm huấn luyện các "chuyên gia" này, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ phương Tây.
Ông Lee cũng cho biết 01.ai đã áp dụng các phương pháp thu thập dữ liệu phi truyền thống, bao gồm việc quét sách và thu thập các bài viết trên ứng dụng nhắn tin WeChat, vốn không thể truy cập từ các website mở.
Nhà sáng lập 01.ai cho rằng Trung Quốc có vị thế tốt hơn so với Mỹ, khi sở hữu nguồn nhân lực kỹ thuật dồi dào và chi phí thấp. "Điểm mạnh của Trung Quốc không nằm ở việc thực hiện các nghiên cứu đột phá với ngân sách không giới hạn, mà là khả năng xây dựng tốt, nhanh chóng, đáng tin cậy và với chi phí thấp", ông Lee cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!