Những lúc bị mắc kẹt trong tình trạng tắc đường mỗi ngày, chúng ta hẳn đều ước được cất cánh và bay ra khỏi dòng người đang kẹt cứng đó. Tuy nhiên, để đưa giải pháp cho tình trạng ấy - taxi bay thành hiện thực thì còn cả một chặng đường dài.
Tương lai nào cho taxi bay?
Khi những cơn mưa tạnh dần thì cũng là lúc người dân Singapore có cái nhìn đầu tiên về một chiếc taxi bay chiều 22/10 vừa qua. Mặc dù chuyến bay chỉ kéo dài vỏn vẹn trong khoảng hơn hai phút, công chúng giờ đây đã có thể cảm nhận được tham vọng cách mạng hóa việc di chuyển đang dần trở thành hiện thực.
Chiếc taxi bay có 18 cánh quạt, vận hành bằng pin, được công ty Volocopter của Đức phát triển. Chiếc taxi, có phi công ngồi trong buồng lái nhằm đảm bảo an toàn trong chuyến bay thử nghiệm, đã cất cánh từ một mũi đất và quần thảo trên bầu trời Marina Bay.
Giám đốc điều hành Volocopter Florian Reuter (bên phải) và Duncan Walker giám đốc điều hành bãi đậu máy bay Skyports
Đây không phải lần đầu tiên Volocopter trình diễn taxi bay, công ty khởi nghiệp của Đức này đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm ở Dubai, Helsinki, và Las Vegas. Nhưng cuộc thử nghiệm ở Singapore là lần đầu tiên được tiến hành trong một khu trung tâm sầm uất.
"Chuyến bay thử nghiệm ngày hôm nay thực sự là một cột mốc quan trọng đối với việc giới thiệu hệ thống giao thông đô thị trên không. Mặc dù chuyến bay chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, những đây là lần đầu tiên, một cơ quan hàng không dân dụng quốc gia cho phép tiến hành chuyến bay có người lái thử nghiệm tại một khung cảnh tuyệt đẹp giữa trung tâm siêu đô thị". Ông Florian Reuter, giám đốc điều hành của Volocopter.
Không chỉ riêng Volocopter, nhiều công ty khởi nghiệp khác trên thế giới cũng như các ông lớn trong ngành chế tạo máy bay đang chạy đua phát triển phương tiện trên không trong đô thị. Những nhà phát triển cho biết, taxi bay đang là một sự thay thế an toàn hơn, yên tĩnh hơn và không hề phát ra khí thải.
Những chiếc máy bay này có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, bay tự động hoặc có phi công đi cùng, có thể chở hai người cùng hành lý. Phạm vi hoạt động cũng những chiếc taxi bay này lên tới 30km.
Volocopter hy vọng sẽ xuất hiện trên các tuyến đường giao thông tại các thành phố lớn, như giữa các sân bay đến trung tâm thành phố, với tốc độ lên tới 110km/h.
Giảm tắc nghẽn
Những chiếc taxi này sẽ khiến người tham gia giao thông sẵn sàng trả một khoản chi phí cao hơn taxi truyền thống
Đối với một số người, taxi bay đang dần mở ra cơ hội thoát khỏi cảnh tắc nghẽn tại những khu đô thị đông đúc trên thế giới và giúp mọi người di chuyển nhanh chóng. Theo ước tính của Liên hợp quốc, 68% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố vào năm 2050, so với 55% ở thời điểm hiện tại. Những mái nhà và các bãi đỗ máy bay trực thăng có thể được sử dụng làm địa điểm cất và hạ cánh taxi bay, giảm tình trạng tắc nghẽn mạng lưới giao thông công cộng hiện nay.
Đối với một số quốc đảo như Indonesia, Nhật Bản thì taxi bay sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phương thức di chuyển mới ở các khu vực vùng núi và các hòn đảo xa xôi hoặc các khu vực hay có thiên tai.
Trong một báo của ngân hàng đầu tư Citigroup về triển vọng dịch vụ taxi hàng không, loại hình phương tiện mới này sẽ phủ sóng tại các siêu đô thị như Singapore, Dubai và Thượng Hải từ năm 2025. Những chiếc taxi này sẽ khiến người tham gia giao thông sẵn sàng trả một khoản chi phí cao hơn taxi truyền thống và công nghệ để tránh tắc đường.
Rủi ro
Sự phát triển của những công nghệ mới nổi đang vượt xa những những quy định của chính phủ cũng như sự đón nhận của công chúng. Điều này nảy sinh ra 1 loạt những câu hỏi xoay quanh sự an toàn, chi phí và tình trạng tắc nghẽn giao thông trên bầu trời.
Jarrett Walker, một nhà tư vấn về quy hoạch và chính sách giao thông công cộng, cho biết các dịch vụ taxi hàng không tư nhân có thể phát sinh ra nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường trước được: "Những chiếc taxi bay có thể tạo ra 1 mức độ tiếng ồn mới ở các khu đô thị, cụ thể là ở những nơi cất cánh và hạ cánh".
"Những chiếc taxi bay sẽ cần rất nhiều không gian để cất và hạ cánh. Như vậy, nếu chỉ tầng lớp thượng lưu sử dụng thì mới có thể kiểm soát được các vấn đề mà nó gây ra. Sự gia tăng tần suất của những chiếc taxi bay cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần của người dân sinh sống quanh đó. Thêm vào đó, những vụ tai nạn giao thông mới liên quan đến chúng là 1 nguy cơ có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến người dân bắt đầu lo lắng về những hiểm họa "trên trời rơi xuống".
Taxi hàng không tư nhân có thể phát sinh ra nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường trước được
Reuter, giám đốc điều hành của Volocopter, cho rằng những lo ngại như vậy cần phải được mổ xẻ kĩ càng giữa các cơ quan quản lý của chính phủ, các nhà hoạch định giao thông và các chuyên gia bảo mật.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho biết để có thể được cấp phép hoạt động, loại phương tiện này cần phải vượt qua nhiều thách thức về công nghệ khác nhau. Một trong số đó là thời gian pin hoạt động. Phần lớn những mẫu được thiết kế đều sử dụng động cơ điện và những loại pin hiện giờ không có đủ năng lượng để một chiếc taxi bay có thể bay ở khoảng cách lớn.
Chi phí
Theo báo cáo của Citigroup về triển vọng dịch vụ taxi hàng không, giá thành để di chuyển bằng taxi bay sẽ rơi vào khoảng 6,04 USD/km, tức là khoảng 140.000 đồng/km. Một con số quá cao so với các phương thức vận tải truyền thống. Các nhà phân tích dự đoán, dịch vụ taxi hàng không sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn nếu mức giá dịch vụ phù hợp với người dân, hơn là chỉ dành cho những người có thu nhập cao.
"Chúng tôi tin rằng một điều khá quan trọng đối với các nhà sản xuất taxi bay, nhà điều hành và tất cả các bên liên quan là đảm bảo rằng loại hình phương tiện mới này sẽ không bị coi là "món đồ chơi xa xỉ cho người giàu". Nếu không họ sẽ không nhận được sự ủng hộ của công chúng khi áp dụng đại trà", ông Pavan Daswani, Nhà phân tích hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu cho biết.
Taxi bay sẽ không thay thế các phương tiện ở mặt đất mà chỉ hoạt động ở một không gian khác. Tuy nhiên, khi taxi bay thương mại phổ biến thì một thách thức pháp lý đặt ra là thiết lập hệ thống quản lý không lưu của thành phố. Bên cạnh đó, để phương tiện này thực sự đi vào đời sống đòi hỏi phải có hạ tầng cho máy bay điện đáp/cất cánh.
Mới đây, công ty Skyport trụ sở tại Essex, Anh kết hợp với Công ty Volocopter của Đức đã ra mắt nhà ga cất/hạ cánh lên thẳng mang tên Voloport tại Vịnh Marina trong khuôn khổ Hội nghị Thế giới về Các Hệ thống giao thông thông minh. Cũng trong hội nghị trên, Bộ trưởng Giao thông Singapore Khaw Boon Wan cho biết, các phương tiện bay không người lái và các công nghệ tương lai khác phải được lên kế hoạch cẩn thận và nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Trên cương vị Bộ trưởng Giao thông, tôi trông đợi nhiều hơn các yếu tố công nghệ. Về chính sách, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có một hệ thống giao thông nhanh, an toàn, đáng tin cậy, thiết yếu, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Chúng phải đóng góp cho chất lượng cuộc sống của người dân" - Bộ trưởng Giao thông Singapore Khaw Boon Wan cho biết.