Công cụ này được đưa ra khi các mạng xã hội lớn đều chịu nhiều áp lực, buộc họ phải chủ động hơn trong việc chống lại các thông tin sai sự thật.
Theo hướng dẫn của Twitter, nếu người dùng phát hiện nội dung tweet chứa thông tin sai lệch có thể báo cáo bằng cách nhấp vào menu thả xuống, chọn mục "thông tin sai lệch về bầu cử", sau đó giải thích vì sao thông tin này sai lệch và gửi báo cáo cho Twitter.
Điển hình cho những thông tin sai lệch về bầu cử là hướng dẫn sai cách thức đăng ký, hình thức bỏ phiếu, thông tin sai về các yêu cầu xác định danh tính cử tri và thông tin không chính xác về ngày giờ bỏ phiếu.
Công cụ mới được ứng dụng đầu tiên tại Ấn Độ - nơi gần 900 triệu cử tri đang tham gia cuộc tổng tuyển cử, bắt đầu từ ngày 11/4 đến hết ngày 19/5. Sau đó, Twitter sẽ triển khai công cụ này tại các nước châu Âu trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện tại đây vào cuối tháng 5 tới.
Trước Twitter, mạng xã hội Facebook cũng đã tuyên bố gỡ bỏ gần 700 trang và tài khoản được lập ra để cung cấp thông tin sai lệch cho cử tri Ấn Độ trước cuộc tổng tuyển cử tại nước này. Các mạng xã hội đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ các nhà chức trách trên khắp thế giới liên quan việc các nền tảng này bị lạm dụng vào mục đích chính trị, đặc biệt trong các cuộc bầu cử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!