Mặc dù vẫn sử dụng những con rối nước truyền thống, tuy nhiên, phía sau mành che không có bất cứ một nghệ nhân múa rối nào. Thay vào đó, người điều khiển những chú rối là các sinh viên của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Tại cuộc thi điều khiển robot múa rối nước do trường tổ chức, các chàng trai của tiết mục "Vua Lê Lợi trả gươm" đã giành giải nhất chung cuộc. Từ những kiến thức đã học, các sinh viên của trường Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã khéo léo áp dụng vào tiết mục múa rối nước, sử dụng công nghệ làm công cụ để tạo nên nghệ thuật.
Mô hình điều khiển rối nước màn "Vua Lê Lợi trả gươm" được thiết kế gồm 2 phần dưới sự điều khiển của 2 nhóm. Trong đó, một nhóm xây dựng hệ thống điều khiển chuyển động của rùa gồm 3 động cơ, sử dụng kết nối Bluetooth, nhóm còn lại phụ trách hệ thống con thuyền, sử dụng điều khiển từ xa RF và đảo chiều động cơ.
Nhờ những chú rối được thiết kế gọn nhẹ, có thể nổi dễ dàng trên mặt nước, tải trọng của hệ thống đã giảm được một phần. Bên cạnh đó, chuyển động của nhân vật được thiết kế đơn giản cũng giúp việc điều khiển rối trở nên mượt mà hơn dưới nước. Mặc dù vậy, do cơ cấu robot vẫn chưa được chính xác hoàn toàn nên nhóm phải tập luyện rất nhiều lần thao tác điều khiển rùa thần lấy gươm từ vua Lê.
Dù chuyển động của rối nước được điều khiển bằng robot vẫn còn đơn giản và chưa thực sự sinh động như bởi các nghệ nhân, tuy nhiên, những cố gắng ứng dụng trên lớp của các sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy tương lai của ứng dụng các công nghệ hiện đại trong bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!