Theo tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Anh Lloyd's, thiệt hại kinh tế do các vụ tấn công mạng toàn cầu có thể lên tới 53 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có rủi ro bị tấn công mạng cao nhất thế giới.
Tính đến ngày 8/9/2017, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.700 sự cố về website lừa đảo, hơn 4.500 sự cố về phát tán mã độc và 3.600 sự cố tấn công thay đổi giao diện. Nguy hiểm hơn, mới đây 71 tên miền và 17 địa chỉ IP máy chủ điều khiển mã độc cũng đã được phát hiện. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là một chiến dịch tấn công có chủ đích nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, vẫn còn hơn 9.800 máy chủ có kết nối với Internet vẫn chưa được vá các lỗi nghiêm trọng trên hệ điều hành Windows dẫn đến việc tin tặc có thể dễ dàng khai thác để tấn công như vụ phát tán mã độc tống tiền WannaCry và mã độc phá hủy dữ liệu NotPetya mới đây.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, thời gian tới các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hạ tầng thông tin trọng yếu, các website của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam có thể sẽ là mục tiêu chính của các cuộc tấn công mạng.
Hình thức tấn công bằng mã độc tống tiền sẽ lan truyền với tốc độ cao đặc biệt là trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IOT như camera, tivi thông minh... Sau đó là xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đào trúng thưởng và mạo danh đánh cắp thông tin.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!