Trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) diễn ra từ 30/9 đến 1/10 tại Hà Nội, sáng 30/9, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ban Quản lý) tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao. Hoạt động thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành; một số Bộ, ngành; đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Phát biểu tại sự kiện, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới đối tác, tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư mới phù hợp với tiêu chí và định hướng phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thông tin, hình ảnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời cung cấp các thông tin về các cơ chế chính sách mới, đặc biệt là các cơ chế chính sách về Khu Công nghệ cao của thành phố Hà nội được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với diện tích 1.586 ha, tính đến nay đã giải phóng mặt bằng được 90% diện tích với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Hiện tổng số dự án đã thu hút vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 108 dự án đầu tư (gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.
Theo bà Phan Thị My, tại Điều 24 Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao là cơ hội để Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức hấp dẫn của Khu; đồng thời cập nhật những quy định mới về cơ chế chính sách, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, "cú hích" cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.
Quang cảnh Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao.
Chia sẻ tại Diễn đàn về chủ đề: "FDI tại Việt Nam-Bối cảnh và triển vọng", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 8/2024, số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt hơn 14 tỷ USD (tăng hơn 108% so với cùng kỳ); vốn đăng ký là hơn 20,5 tỷ USD (tăng hơn 107% so với cùng kỳ); đã có 2.247 dự án FDI được cấp mới. Đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam khá khả quan do điều kiện chính trị và xã hội ổn định; tăng trưởng kinh tế cao, ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở, ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược.
Nắm bắt được những lợi thế này, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa những quyết sách đúng đắn trong định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài. Đó là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã nghe ý kiến của một số nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; góp ý, đề xuất của một số tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước về giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư.
Ngay sau Diễn đàn, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để mở rộng, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Công nghệ cho ngành Xây dựng: Đột phá từ đổi mới sáng tạo
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn "Công nghệ ngành Xây dựng". Hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) diễn ra từ 30/9 đến 1/10.
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Diễn đàn là dịp Bộ Xây dựng giới thiệu về các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực quản lý như: Quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị, hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật của ngành và một số lĩnh vực khác.
Theo ông Vũ Ngọc Anh, thước đo của tiến bộ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành Xây dựng chính là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành 16 quy chuẩn kỹ thuật, trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên 800 tiêu chuẩn quốc gia đủ để điều tiết quản lý kỹ thuật các lĩnh vực: Quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị, vật liệu xây dựng, xây dựng công trình (thiết kế, thi công, nghiệm thu, định mức kinh tế kỹ thuật…).
Những năm qua, trước những thành tựu khoa học công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Xây dựng đã triển khai nghiên cứu ứng dụng trong một số lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong lĩnh vực quản lý của ngành như: Nghiên cứu ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng; nghiên cứu chế tạo máy in 3D trong chế tạo vật liệu xây dựng tính năng cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Xây dựng.
Nhiều vấn đề mới và phát sinh từ thực tiễn cũng đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu giải quyết như nghiên cứu xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than để làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp; nghiên cứu xây dựng đường phát thải khí nhà kính của các nhà máy sản xuất xi măng, gạch, vôi, kính xây dựng để phục vụ quá trình kiểm kê khí nhà kính và xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.
Toàn cảnh Diễn đàn "Công nghệ ngành Xây dựng".
Ông Vũ Ngọc Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng hướng tới làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m, ...); ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình của Chính phủ.
Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật; ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà…
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng cho rằng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng; gắn chặt với thực tiễn sản xuất và quản lý của ngành Xây dựng theo hướng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trên thế giới
Cùng với đó, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, nguồn lực Nhà nước sẽ có vai trò dẫn dắt, nguồn lực xã hội đóng vai trò quyết định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu có đủ năng lực thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp; làm chủ công nghệ và phát triển ngành công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; áp dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước.
Bộ phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ; đổi mới cơ chế, phương thức thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học; nâng cao tính tự chủ các viện nghiên cứu theo lộ trình.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cùng nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, đổi mới sáng tạo trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực xây dựng thực sự thúc đẩy các hoạt động xây dựng theo hướng phát triển bền vững; tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế, đòi hỏi thường xuyên đổi mới, cập nhật hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn là yêu cầu đặt ra đối với ngành Xây dựng.
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức từ 30/9 - 1/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!