Trên đỉnh Di Liêng nằm ở thượng nguồn con sông Lăng, đầu nguồn Vu Gia - Thu Bồn, trải dài theo triền núi, những cội lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi hiện lên như chứng thực cho sự vững chãi của mình trước thời gian. Trong cánh rừng rộng cả nghìn ha này, hiện có khoảng 500 cây lim cổ thụ đường kính từ 1 - 1,5m. Do đặc thù riêng không đẻ nhánh, thiết lim cứ sừng sững, vươn thẳng lên trời cao.
Để có được những cánh rừng đại ngàn này, thiên nhiên phải kiến tạo trong hàng nghìn năm. Để có những gốc lim cổ thụ đường kính trên 2m này, đại ngàn Trường Sơn phải nuôi dưỡng từ 300 - 400 năm. Theo các chuyên gia nghiên cứu về rừng nhiệt đới, thời điểm này là giai đoạn tốt nhất để những cây lim cổ thụ này cho giống hạt. Điều này có thể thấy rõ khi gần đây, ngay trong cánh rừng này, có một thế hệ lim non đang đâm chồi. Đây là tín hiệu vui bởi hiện nay trên thế giới, giống lim xanh có tên gọi quốc tế Erythrophleum fordii đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Hơn 500 gốc lim cổ thụ trong cánh rừng này giờ không còn là tài sản của đồng bào Cơ Tu hay của riêng tỉnh Quảng Nam mà là báu vật quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay không phải nằm ở việc lập hồ sơ, chờ được công nhận là rừng giống cấp Quốc gia mà là cuộc chiến bảo vệ rừng lim này. Chỉ một tháng trước đây, cách cánh rừng này chừng 1km bên kia con sông Lăng, trên lâm phần của huyện Nam Giang, một cánh rừng lim quý đã bị lâm tặc triệt hạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.