Trước khi ánh sáng đèn điện được phổ biến như ngày nay, chiếc đèn dầu đã gắn bó mật thiết trong đời sống của con người với việc mang lại nguồn sáng. Xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XIX, hình ảnh ngọn đèn dầu trong mỗi gia đình người Việt đã trở nên vô cùng quen thuộc và lưu giữ nhiều giá trị tinh thần ý nghĩa.
Giữa nhịp sống hiện đại, một bác sĩ ở TP Nha Trang đã dày công tìm hiểu và sưu tập những chiếc đèn dầu của một thời xa vắng.
Trải qua hàng nghìn năm, con người đã sử dụng lửa để tạo ra ánh sáng, từ sử dụng củi gỗ rồi đến dầu. Đèn hột vịt là một trong những loại đèn dầu phổ biến nhất ở Việt Nam. Những câu chuyện về chiếc đèn dầu xưa cũ không chỉ dừng lại ở việc mang đến nguồn ánh sáng. Với bác sĩ Trần Văn Huy, những chiếc đèn dầu gợi nhớ cho ông về những kỉ niệm tuổi thơ khó khăn gắn liền với cây đèn. Nhưng cũng chính nhờ ngọn đèn năm xưa đã giúp ông có được những thành công của ngày hôm nay.
Khởi nguồn từ những chiếc đèn hột vịt đã gắn bó với tuổi thơ, bộ sưu tập của bác sĩ Trần Văn Huy đến nay đã lên tới khoảng 300 chiếc đèn dầu cổ, với chất liệu đa dạng từ thủy tinh, pha lê đến đồng, gốm sứ. Tất cả đều được ông kỳ công sưu tập suốt 20 năm qua từ nhiều nơi trên thế giới.
Trải qua thời gian, những chiếc đèn dầu dù xuất hiện với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau, nhưng đều có chung những bộ phận cơ bản: bình đèn để chứa dầu và một sợi bấc thường được dệt bằng sợi bông. Cách thức đèn dầu chiếu sáng cũng hết sức đơn giản: Khi châm lửa vào phần nhô lên bấc, dầu ngấm trong bấc sẽ cháy và tạo ra một ngọn lửa màu vàng.
Giữa cuộc sống hiện đại, đèn dầu dần mất đi giá trị sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng đối với những người đã một thời gắn bó với cây đèn dầu từ thuở bé như bác sĩ Huy, ánh lửa ấy sẽ không bao giờ tắt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!