Sự thật về đường dây lao động khổ sai tại Nga

Duy Nghĩa - Khắc Long (PV Thường trú Đài THVN tại Nga)-Thứ hai, ngày 25/09/2017 20:22 GMT+7

VTV.vn - Công nhân Trần Văn Châu đã tường trình lại sự việc và cho rằng đây là sự hiểu lầm; đồng thời xin lỗi về những gì đã xảy ra.

Mới đây, báo Người lao động đăng tải bài viết "Thâm nhập đường dây lao động "khổ sai" ở Nga". Bài viết này dựa trên một bức thư kêu cứu của một công nhân mới sang Nga cho biết bị đối xử tệ bạc, trong khi đã phải mất rất nhiều tiền sang Nga làm công nhân may. Trước vụ việc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức đoàn công tác đến tận hiện trường để tìm hiểu, giải quyết vấn đề.

Theo đó, cái gọi là "địa ngục" - nơi đang có hàng chục người đang bị bóc lột thậm tệ như những lao động khổ sai lại chính là một ngôi nhà hai tầng kiên cố, khang trang nằm ngay mặt đường phố Công nghiệp, số 3, gần trung tâm thành phố Dmitrov, tỉnh Moscow. Tại đây, có khoảng gần 20 công nhân đang làm việc trong một gian xưởng sáng sủa, sạch sẽ.

Sự thật về đường dây lao động khổ sai tại Nga - Ảnh 1.

Xưởng may - nơi Châu làm việc.

Sự việc bắt đầu từ một đơn "kêu cứu" của công nhân Trần Văn Châu, sinh năm 1988, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Châu cho rằng mình bị lừa sang Nga làm việc bằng con đường du lịch. Trên thực tế cũng như toàn bộ số công nhân tại đây, Châu sang Nga làm việc hoàn toàn hợp pháp.

Có quyền lao động nhưng Châu lại lấy cớ ốm đau để đi muộn về sớm. Mới sang tay nghề Châu chưa có (trước đây ở Việt Nam Châu làm nghề may giày) nhưng Châu cũng không học hỏi để tiếp nhận công việc mới và nâng cao tay nghề.

Đại đa số công nhân đang làm việc cùng Châu đều không đồng tình với đơn "kêu cứu" của anh khi cho rằng phải làm việc quá căng thẳng, ăn uống kham khổ, trong khi đồng lương quá thấp so với người môi giới ở Việt Nam đưa ra, bị giam cầm không cho ra ngoài...

Trong thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan của Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đang từng bước chấn chỉnh tiến tới xoá bỏ hoàn toàn nạn "may đen", khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này làm ăn nghiêm chỉnh theo đúng pháp luật Nga cũng như luật pháp Việt Nam, chăm lo cho đời sống vật chất tinh thần của công nhân.

Dư luận cộng đồng nói chung rất mong muốn báo chí trong nước phản ánh sự việc một cách khách quan, chính xác, tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng người Việt Nam đang lao động, học tập tại Liên bang Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước