Biệt động Sài Gòn: “Giải mã” góc khuất của lịch sử

Việt Hoài (Theo Tuổi trẻ)-Thứ tư, ngày 24/04/2013 16:44 GMT+7

Cuộc gặp gỡ giữa anh hùng Tư Chu (trái) và nhà báo Don Luce trong phim tài liệu Biệt động Sài Gòn - Ảnh: L.P.L.

 Khởi chiếu trên VTV1 từ ngày 24/4 lúc 21h các tối thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, 10 tập phim tài liệu Biệt động Sài Gòn đã cố gắng đi vào những số phận cụ thể nhằm giải đáp phần nào những góc khuất của lịch sử.

Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 là một ký ức đặc biệt trong cuộc đời hoạt động của đại tá Nguyễn Ðức Hùng (Tư Chu). Không chỉ vì ở đó có đến gần 80% lực lượng biệt động tinh nhuệ của ông đã vĩnh viễn không trở về, mà còn bởi một lý do riêng tư - sinh mạng hai con trai ông được kẻ địch đem ra “mặc cả” khi chúng chỉ là những đứa trẻ mới lên 5, lên 7... Thời điểm đó, tổ chức đã đưa ra kế sách để giải thoát cho hai đứa con của ông Tư Chu.

Theo ý kiến của ông Trần Bạch Ðằng, phía ta sẽ bắt một tên lính Mỹ và dùng đó như là một điều kiện để trao đổi. Thế nhưng kế hoạch này không thành.

Nước cờ tiếp theo mà lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh lựa chọn là tiếp cận với một nhà báo Mỹ, để qua đó nhờ nhà báo này tạo dư luận buộc chính quyền Sài Gòn phải trả tự do cho hai đứa trẻ.

Và người được lựa chọn là Don Luce - cựu phóng viên tờ Washington Post. Và Don Luce đã không phụ lòng tin của những người đã lựa chọn ông cho sứ mạng này, khi ông đã làm rung động dư luận thế giới bằng những hình ảnh chân thực nhất, với trang bìa cuốn sách Những con tin của chiến tranh - những người tù chính trị của chế độ Sài Gòn là người tù Nguyễn Lê Minh, con trai lớn của ông Tư Chu, khi ấy mới 7 tuổi.

Ðó là nội dung chính của tập 9 Thủ lĩnh biệt động trong loạt phim tài liệu Biệt động Sài Gòn. Những thước phim quý giá cũng ghi lại được cuộc gặp gỡ cảm động sau đó giữa anh hùng Tư Chu và nhà báo Don Luce khi hòa bình đã lập lại ở Việt Nam.

Vẫn với mạch phim tài liệu chiến tranh đầy bi tráng khởi đi từ Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Con đường bí ẩn qua Mậu Thân 1968..., đến Biệt động Sài Gòn, nữ đạo diễn Phong Lan kiên trì với con đường tìm kiếm những số phận con người lạ lùng và bình dị trong chiến tranh, những con người đã có thời khắc được đặt sứ mệnh “nút bấm lịch sử”, và sau đó lại âm thầm sống tiếp những tháng ngày còn lại với những bi kịch của riêng mình.

10 tập Biệt động Sài Gòn, với thời lượng 30 phút một tập, đã cố gắng đi vào những số phận cụ thể để giải đáp phần nào những góc khuất của lịch sử: Ngay từ những năm tháng đạn bom thăng trầm của đất nước cho đến khi hòa bình và phát triển của hôm nay, biệt động Sài Gòn luôn tồn tại nhiều điều bí ẩn không chỉ trong lòng người dân mà còn ngay cả những nhà nghiên cứu sử học. Người đời luôn đặt ra những câu hỏi: Họ là những ai? Tên thật của họ là gì? Tại sao họ lại xem cái chết nhẹ tựa lông hồng? Tại sao họ lại chiến đấu oanh liệt và quả cảm đến thế? Biệt động Sài Gòn - lực lượng gắn liền với bao chiến công hiển hách trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì tại sao lại phải nhanh chóng giải thể ngay trong ngày đầu đất nước mới giải phóng?...

Lượng tư liệu lịch sử ngồn ngộn bằng văn bản và hình ảnh mà đạo diễn Phong Lan tiếp cận được cũng như ghi lại được đã được đạo diễn dẫn dắt khá hấp dẫn trong một mạch truyện đầy xúc cảm bi tráng, được ghìm nén trong những thước phim tư liệu khách quan của cả hai bên chiến tuyến. Ðặc biệt, tập kết, tập 10 với tên gọi Hòa bình và người ở lại có rất nhiều ưu tư và nhiều đau đớn, cùng với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng..

 

Biệt động Sài Gòn mở đầu với Quyết tử quân (tập 1) làm sống lại lịch sử biệt động Sài Gòn - Gia Định bắt nguồn từ những đội vũ trang, tự vệ của người dân ở khu vực này từ thời tiền khởi nghĩa và Nam bộ kháng chiến. Nhưng chính thức ra đời thì phải kể đến chuyến mạo hiểm vào thành thị sát của khu trưởng Nguyễn Bình để rút ra kết luận “có thể đánh du kích ngay trong lòng địch, xuất phát từ căn cứ nằm trong lòng dân...”.

Sau Lời thề ngày độc lập (tập 2) là Đại náo Sài Gòn (tập 3) - câu chuyện về những chiến sĩ trinh sát F21 của ban quân báo quân khu, điển hình là hai huyền thoại Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) và Lê Văn Việt (Tư Việt), với những trận đánh táo bạo, gây rúng động dư luận trong và ngoài nước. Điển hình là trận đánh khách sạn Caravelle (1964), cư xá Brink (1964) và trận đánh Đại sứ quán Mỹ lần thứ nhất (3-1965). Tập 4 Lực lượng F100 kể về Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định phiên hiệu cấp lữ đoàn F100. Đơn vị này được thành lập để chuẩn bị cho ý đồ tập kích chiến lược trong kế hoạch X, sau là Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước