Dù đã được nhen nhóm phát hiện bởi các nhà khoa học từ năm 1937, Nam Đại Dương – đại dương thứ 5 của thế giới vẫn chưa chính thức được công nhận và đặt tên trên bản đồ thế giới trong một khoảng thời gian dài. Cho tới ngày 8/6 – ngày Đại dương Thế giới vừa qua, việc khai sinh đại dương non trẻ này mới chính thức được công bố rộng rãi trên toàn cầu, bắt đầu thu hút sự tò mò của công chúng. Dưới đây là 5 điều cơ bản nhất mà ai trong chúng ta cũng nên biết về Nam Đại Dương.
1. Nam Đại Dương từng là một phần của Thái Bình Dương
Kể từ năm 1770, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra về vấn đề làm thế nào để phân biệt vùng nước chưa có tên (mà giờ đây ta đã biết là Nam Đại Dương) này với các đại dương xung quanh nó. Đã có thời kì vùng này được gộp chung với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương nhưng gần đây nhất trước khi chính thức được công nhận độc lập, Nam Đại Dương từng là một phần của Thái Bình Dương.
2. Là đại dương nhỏ thứ 2 trên Trái Đất
Nam Đại Dương nằm ở phần cực nam của hành tinh chúng ta, ôm lấy bờ biển phía nam của Nam Cực và chỉ trải dài xuống đến vĩ độ 60, đồng nghĩa với việc đại dương này chưa chạm đến điểm cực nam của Nam Mỹ. Diện tích của Nam Đại Dương chỉ lớn hơn duy nhất Bắc Băng Dương.
3. Được phân biệt với các đại dương bằng dòng chảy, không phải lục địa
Phân biệt các vùng nước hay đại dương thường là nhiệm vụ của một lục địa – ranh giới rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Tuy vậy, Nam Đại Dương nằm ngoài quy luật này vì không có bất kì một lục địa nào ngăn cách nó với các đại dương lân cận. Thay vào đó, ranh giới tự nhiên bao quanh Nam Đại Dương là dòng hải lưu Nam Cực (ACC) chảy từ Tây sang Đông. Nước của ACC lạnh hơn và ít mặn hơn so với nước của các đại dương xung quanh nó.
4. Có giới sinh vật độc đáo, đa dạng
Nam Đại Dương là nơi duy nhất trên thế giới bạn có thể nhìn thấy nhiều loài động vật như chim cánh cụt Hoàng đế, hải cẩu Wendell… Không chỉ vậy, đây còn là một địa chỉ trú ngụ trên đường di cư kiếm ăn của nhiều loài động vật quý giá như cá voi lưng gù mỗi khi mùa hạ tới.
5. Cần sớm được chấp nhận rộng rãi
Nam Đại Dương được các nhà khoa học cố gắng đưa vào bản đồ thế giới của chúng ta bởi đây là một điểm nóng, là một nạn nhân nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày một ác liệt. Bên cạnh đó, vấn nạn đánh bắt công nghiệp quá mức nhiều loài cá và nhuyễn thể trong khu vực này cũng đang ở mức đáng báo động, cần sớm được công nhận và khắc phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!