Bảo vệ nguồn nước từ mô hình du lịch xanh

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/08/2024 15:29 GMT+7

VTV.vn - Nhiều hoạt động vì môi trường "xanh - sạch - đẹp" đang mang lại những kết quả nhất định cho nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, hoạt động du lịch phát triển ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Rác và các chất thải vẫn chưa được thu gom xử lý, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Nhằm nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi thói quen của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều hoạt động vì môi trường "xanh - sạch - đẹp" đang mang lại những kết quả nhất định.

Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, thuộc quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ. Mỗi khi có triều cường, rác xuất hiện dày đặc trên các kênh rạch. Nhận thấy điều này, bà con làm du lịch trên cồn đã triển khai mô hình "Nói không với rác thải nhựa". Mọi người thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, vừa dọn dưới lòng sông vừa dọn trên đường.

Bảo vệ nguồn nước từ mô hình du lịch xanh - Ảnh 1.

Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch xanh để bảo vệ nguồn nước bền vững.

Chị Bùi Thị Mỹ Tiên (Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết: "Mình làm du lịch nên mong muốn cho du khách thấy nét đẹp ở đây. Tôi muốn rác thải và những gì không đẹp đẽ sẽ mất đi để du khách sẽ thích thú khi đến với Cồn Sơn".

Xã cù lao Tân Thuận Đông thuộc TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp gần đây được nhiều du khách tìm đến trải nghiệm phiên chợ quê vào mỗi cuối tuần. Điều đặc biệt tại phiên chợ quê Tân Thuận Đông là tất cả các tiểu thương đều sử dụng túi tự hủy sinh học, không sử dụng chai, hộp nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Với số lượng từ 1.500 đến 2000 du khách trong mỗi phiên chợ nhưng mọi người sẽ khó bắt gặp tình trạng rác thải bừa bãi trên đường bởi công tác vệ sinh môi trường luôn được địa phương quan tâm thực hiện.

Ông Phan Hoàng Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp - chia sẻ: "Địa phương cũng tham mưu UBND thành phố hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để bổ sung thêm thùng rác, đẩy mạnh phân loại rác. Lượng rác thải ra từ chợ rất lớn nên địa phương cũng thuê thêm một số chị em là lao động nhàn rỗi thu gom rác sau mỗi phiên chợ".

Ông Võ Văn Quốc - du khách tỉnh Bình Phước - nhận xét: Tôi thấy có bố trí nhiều thùng rác rất là khoa học. Đi một vòng thấy bà con không dùng những vật liệu khó phân huỷ. Tôi thấy cái này rất hay, cần phải phát huy".

Mỗi tuần, các quầy hàng chợ quê sử dụng khoảng 30 kg túi tự hủy, 7 kg túi giấy, 1.000 hộp tinh bột mì. Những miếng lá chuối, lá sen dùng để gói bánh, ly túi giấy, ống hút làm từ bột… đã dần trở nên quen thuộc với du khách khi đến chợ quê Tân Thuận Đông. Mô hình "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần" ở chợ quê Tân Thuận Đông đã và đang được nhiều địa phương khác làm theo để Đồng bằng sông Cửu Long mãi là vùng sông nước "xanh - sạch - đẹp" trong lòng du khách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước