Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành một trong những xu hướng phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới, và Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều thống kê chỉ ra rằng: người tiêu dùng cũng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn, cho các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Điều này là minh chứng cho việc "xanh" hoá, không chỉ đảm bảo phát triển bền vững, mà còn là hướng đi đúng nhằm tạo nên sức hút đối với du khách.
Chai nước, túi nilon thay thế bằng bình thuỷ tinh và túi vải có thể dùng lại nhiều lần . Đây là những thay đổi nhỏ nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường được nhiều đơn vị du lịch áp dụng và cũng được du khách đánh giá cao. Di chuyển bằng xe điện tới các địa điểm, tặng du khách túi đựng đồ bằng vải hay bình đựng nước trong quá trình tham quan. Đó là một số hoạt động bảo vệ môi trường tưởng chừng rất nhỏ của một số đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch nhưng đã tạo ra nhiều ấn tượng tốt với du khách.
Tại các homestay, khách sạn; du khách cũng dễ dàng tìm thấy các đơn vị theo đuổi mô hình thân thiện với môi trường. Sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, thay thế đồ dùng nhựa bằng các đồ dùng thiên nhiên hoặc có thể phân huỷ, hay thậm chí ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải là những yếu tố "xanh" mà nhiều cơ sở lưu trú đã triển khai.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng - Công ty CP Du lịch và Dịch vụ D Home cho biết: "Ở cơ sở của chúng tôi áp dụng công nghệ check in AI và hỗ trợ online vì vậy sẽ không sử dụng đến hoá đơn bằng giấy. Nhân viên sẽ nhắc khách đem theo các vật dụng cá nhân trước mỗi chuyến đi, hạn chế đồ dùng một lần".
Chị Nguyễn Thị Linh, khách du lịch chia sẻ: "Tôi khá là bất ngờ khi đến đây ở trong phòng có sẵn bình nước thuỷ tinh để khách có thể tự lấy nước, bình nước đó có thể sử dụng nhiều lần không gây ô nhiễm môi trường. Trong tương lai thì mình sẽ tiếp tục hướng đến những dịch vụ quan tâm đến môi trường bởi vì mình cũng là một người trẻ và mình cũng muốn lan truyền thông điệp đấy đến cho tất cả các bạn trẻ sau này. Thế mạnh của du lịch nước ta là tận dụng tài nguyên sẵn có vậy nên việc phát triển du lịch "xanh" là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch tiếp tục giữ vững vị thế là ngành kinh thế mũi nhọn.".
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: "Hiện nay các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai một số sản phẩm du lịch xanh, một số địa phương cũng tích cực triển khai. Bảo vệ môi trường từ những vấn đề nhỏ như rác thải nhựa, đến vấn đế lớn như du lịch xanh, đào tạo nhân lực xanh, tạo ra những điểm đến xanh. Tất cả điều đó là cái đích hướng tới của du lịch Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo".
Phát triển "xanh" không chỉ mang lại những lợi ích cho môi trường mà còn giúp ngành du lịch Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của mình. Tạo nên dấu ấn trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế, như một điểm đến đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm chất lượng cao và bền vững. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh phải phát triển du lịch với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!