Trong các biến thể được phát hiện thời gian qua, Delta có thể được coi là chủng virus đáng lo ngại nhất, không chỉ vì khả năng khiến bệnh dễ trở nặng mà còn vì khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng ban đầu. Đây là thủ phạm chính tạo ra các đợt dịch mới trên toàn cầu ở hiện tại, làm gia tăng đến mức đáng lo ngại các trường hợp nhiễm COVID-19.
Delta được xếp vào nhóm “biến thể đáng lo ngại”
Theo WHO, virus có khả năng sao chép để tạo ra bản sao của chính nó. Trong quá trình sao chép này, một số những thay đổi nhất định có thể sẽ diễn ra và từ đó tạo nên một loại virus mới, được gọi là “biến thể” của chủng ban đầu. Theo những báo cáo mới nhất, với tốc độ lây lan cao hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn, biến thể Delta (hay dòng B.1.617.2) đang là nguyên nhân chính đằng sau đại đa số các ca mắc ở Ấn Độ, Anh và Mỹ.
Biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020, được coi là sự giao thoa và kết hợp giữa các dòng đột biến E484Q và L452R. Đây là lý do đằng sau những khả năng vượt trội của biến thể này, đưa nó trở thành chủng virus nguy hiểm bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Biến thể này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “Biến thể đáng lo ngại” – Variants of Concern.
Delta có khả năng lây lan trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng
Biến Delta có khả năng sao chép và nhân lên với tốc độ chóng mặt, khiến cho tải lượng virus trong máu người bệnh tăng gấp tới 1.260 lần so với chủng ban đầu, từ đó dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn và đồng thời ẩn chứa nguy cơ lây lan ra ngoài cộng đồng cao hơn.
Với loại virus SARs-COV-2 đã được phát hiện ở thời gian đầu của đại dịch, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và cho ra kết quả dương tính sau từ 5 đến 6 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Trong khi đó, khoảng thời gian trung bình kể từ khi tiếp xúc đến khi dương tính với xét nghiệm PCR ở bệnh nhân nhiễm biến thể Delta chỉ là 3,71 ngày do tải lượng virus quá cao.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới đây, biến thể Delta còn có khả năng truyền virus trong khoảng gần 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng ở người bệnh. Một nghiên cứu trước đó cũng tuyên bố rằng bệnh nhân nhiễm các chủng ban đầu của COVID-19 sẽ xuất hiện các dấu hiệu bệnh tật trong khoảng 0,8 ngày sau khi có kết quả dương tính nhưng con số này ở người nhiễm biến thể Delta là 1,8 ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân có khả năng lây truyền virus trước cả khi họ biết bản thân mình mang mầm bệnh. Đây có thể là lí do đằng sau những con số kỉ lục người mắc COVID-19 trong các đợt dịch gần đây.
Theo nguồn dữ liệu được cung cấp trên một ứng dụng chuyên ghi nhận triệu chứng, sốt, ho, đau đầu, đau họng và mất khứu giác là những dấu hiệu nhiễm COVID-19 phổ biến nhất. Các triệu chứng này có thể sẽ bị thay đổi tùy theo sự xuất hiện của các biến thể mới nhưng cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào nghiên cứu sâu hơn vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!