Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, những cánh rừng cà phê ở tỉnh Itasy, miền Trung của Madagascar đang đến độ thu hoạch. Loại cà phê ở đây có hương thơm đặc biệt khiến loài dơi thường tìm đến để ăn. Sau khi ăn, chúng sẽ nhả lại hạt dưới gốc cây và hạt này sau đó sẽ được thu lượm, rửa sạch rồi đem đi chế biến thành cà phê nhân chất lượng cao. Loại cà phê dơi này được bán ngay ở thị trường trong nước là khoảng 200 Euro/kg, con số này cao gấp 50 lần so với các loại cà phê thông thường khác.
"Giờ đây, chúng tôi sống nhờ vào cây cà phê. Trước kia, người dân ở đây không quan tâm lắm đến loại cây này. Nếu chúng tôi tiếp tục phát triển loại cây cà phê, chúng tôi có thể thu hoạch được hàng tấn mỗi năm" - bà Nirina Malala Ravaonasolo, Chủ tịch Hội Phụ nữ trồng cà phê ở Itasy, Madagascar cho biết.
Đây là lần đầu tiên loại cà phê dơi được bán ở khu vực châu Phi. Cách đây 2 năm, chính ông Jacques Ramarlah, một chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa loại cà phê Bourbon về trồng ở vùng đất này và hướng dẫn các nông dân làm cà phê dơi. Theo ông, cà phê dơi có chất lượng ngon hơn các loại cà phê bình thường khác.
Dự kiến trong năm nay, nông dân trong vùng sẽ sản xuất được khoảng 20 tấn cà phê dơi. Con số này có thể tăng lên 20 tấn trong năm 2021. Phần lớn số cà phê này sẽ được dành để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản. Hiện loại cà phê này đang được tiếp thị trong các nhà hàng và khách sạn cao cấp ở Madagascar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!