Ở châu Âu, những hình vẽ nguệch ngoạc bằng sơn xịt trên tường, trên cửa sổ, trên cột điện hay tủ điện trên hè phố… bị coi là hành động phá hoại vì làm cho nhiều khu phố trở nên nhếch nhác và tệ hơn nữa là tạo ra cảm giác bất an.
Tuy nhiên, với các tác giả của những bức vẽ Graffiti, đó lại là cách họ thể hiện bản thân còn chính quyền thành phố Brussels, Bỉ đã phải cắt cử những nhóm công nhân chuyên đi xóa các hình vẽ.
Khi cảnh sát đi tuần phát hiện ra một bức tường bị xịt sơn, ảnh chụp bức tường đó sẽ được gửi ngay tới các tổ vệ sinh công cộng của địa phương. Để trả lại vẻ đẹp cho những bức tường bị vẽ bẩn, họ phải dùng máy phun cát mịn xóa càng sớm càng tốt. Lý do bởi sơn mới dễ xóa, nếu không, chỉ sau 1-2 đêm, mảng vẽ sẽ rộng ra và có thêm nhiều màu sắc.
Ngoài việc thông báo cho tổ vệ sinh công cộng, người dân cũng có thể yêu cầu Tòa thị chính cử người đến xóa hình vẽ trên tường hay trên cửa sổ nhà mình mà không phải trả phí.
Nếu bị bắt, người vẽ bậy bị phạt vi cảnh tới 250 Euro cộng với chi phí tẩy rửa 80 Euro cho mỗi m2 vẽ bậy. Tuy nhiên, thủ phạm rất ít bị bắt quả tang.
Không chỉ phạt vi cảnh và bắt hoàn trả tiền công làm sạch, đôi khi thủ phạm làm bẩn tường còn phải lao động công ích như lau chùi cột điện thùng rác hay hút lá cây rụng trên hè.
Ngoài ra, một trong những cách nữa để giảm tệ nạn vẽ bậy ở Brussels là cố ý dành một số mảng tường nhất định trong thành phố như xung quanh một số công viên làm nơi tạo cơ hội cho thanh niên thoả mãn nhu cầu thể hiện khả năng hội họa và hoàn toàn hợp pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!