Một đề xuất được đưa ra mới đây đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là xây dựng Hà Nội thành một thành phố không ăn thịt chó, mèo. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng thịt chó, mèo, đặc biệt là thịt chó là món ăn khoái khẩu từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học dân gian, cho thấy món ăn đã đi sâu vào đời sống của người Việt. Một số người khác cho rằng ăn thịt chó, mèo là kém văn minh vì đây là động vật nuôi thân thiết, bầu bạn với con người.
Chó là bạn hay là thức ăn, cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Cho tới thời điểm này, trong pháp luật Việt Nam không có điều luật nào cấm giết chó hay ăn thịt chó. Thế nhưng, những năm gần đây việc nhiều người từ bỏ món ăn này là có thật, đặc biệt ở thành thị.
Vào năm 2021, Di sản văn hóa thế giới Hội An đã ký văn bản ghi nhớ với Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo. Theo tổ chức này, mỗi năm Việt Nam có hơn 5 triệu cá thể chó bị buôn bán, giết để lấy thịt. Trước đây, nguồn cung cấp chó chủ yếu đến từ Thái Lan, Lào và Campuchia, với số lượng hàng trăm ngàn con. Tuy nhiên, khi Quỹ Soy Dog làm việc với Chính phủ Thái Lan vào năm 2014 để chấm dứt tình trạng mua bán này khiến nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Nạn trộm chó trong nước bắt đầu hoành hành. Tìm kiếm từ khóa "trộm cho" trên Google sẽ thấy hơn 6 triệu kết quả thông tin hiển thị.
Có thời điểm khan hàng, cẩu tặc ráo riết hoạt động ở khắp các làng xóm, ngõ ngách với các vũ khí gây sát thương như súng điện, dao kiếm dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, thậm chí là chết người. Tình cảnh những con chó được nhà chủ nuôi chăm sóc coi như người bạn thân thiết nhưng bị bắt trộm và xẻ thịt một cách dã man từng xuất hiện trong các thước phim tài liệu, gây phẫn nộ cho nhiều người.
Người ăn không biết nguồn gốc món ăn của mình đến từ đâu, có phải là những chú chó mèo bị bắt trộm, đánh bả cho đến chết hay không. Hiện không quy định nào về việc cấm ăn, cấm bán thịt chó, mèo nên việc có ăn thịt chó, mèo hay không, làm như vậy là bình thường hay văn minh đều ở quan điểm của mỗi người. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc…
Về bản chất, ăn uống cũng như nhiều giá trị văn hóa khác như mặc, ở hay đi lại… là cách con người người khai thác môi trường tự nhiên để phục vụ nhu cầu tồn tại. Tùy theo môi trường xã hội, văn hóa tộc người hình thành các giá trị và quan điểm khác nhau về ăn uống. Song dù thế nào, việc tiêu thụ thịt chó, mèo nói riêng và các loại động vật nói chung cần được thực hiện ở những cơ sở đảm bảo vệ sinh và quy trình giết mổ. Tuyệt đối không nhân danh ăn thịt mà trộm cắp, giết hại, bạc đãi động vật một cách tàn nhẫn và phản cảm.
"Chúng ta hãy coi việc ăn các con vật như chó, gà, lợn, bò, đà điểu… đều chỉ là thực phẩm. Ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh, có văn hóa. Dứt khoát không được tàn nhẫn với động vật", TS Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa – xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chia sẻ.
Ngày nay, ngoài ăn no người ta còn quan tâm đến ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, nguồn gốc phải đảm bảo an toàn và không có chất độc hại. Nhiều người thậm chí còn chia sẻ cách ăn sao cho hạnh phúc.
Trở lại với câu hỏi có nên ăn thịt chó, mèo hay không, khi luật pháp chưa có quy định cụ thể, việc ăn hay không là quyền của mỗi người. Chỉ có điều, không vì quyền được ăn mà chấp nhận hành vi trộm cắp, hành hạ, bạc đãi, giết hại động vật tàn nhẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!