Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường như hiện nay, nguy cơ mắc cảm lạnh là rất cao. Căn bệnh tưởng như vặt vãnh này đôi khi có thể kéo dài rất lâu và gây mệt mỏi, khó chịu, thậm chí làm suy nhược cơ thể.
Không có nhiều nghiên cứu chỉ rõ rằng sữa chua giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh cảm lạnh nhưng các thành phần trong đó lại mang đến hiệu quả tương tự. Ví dụ, trong sữa chua chứa nhiều Probiotic là một loại lợi khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy Probiotic giúp làm giảm thời gian kéo dài bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh cảm lạnh.
Tuy nhiên, các lợi ích kể trên có thể chỉ xuất hiện ở một số loại vi khuẩn nhất định được nghiên cứu thực tế, tức là những loại vi khuẩn này có thể không xuất hiện ở mọi loại sữa chua thông thường. Điển hình như sữa chua truyền thống chứa Lactobacillus Bulgaricus và Streptococcus Thermophilus. Đây là hai vi khuẩn gắn liền với quá trình lên men làm sữa chua. Mặc dù chúng đều là các vi khuẩn có lợi nhưng chưa chắc đã trùng hợp với loại Probiotic được nghiên cứu trong các thí nghiệm lâm sàng kể trên.
Chúng ta đều biết sữa chua là một loại thức ăn bổ dưỡng và Probiotic có lợi cho sức khỏe. Vì thế việc đưa sữa chua vào chế độ ăn hàng ngày là điều rất tốt nhưng để kết luận sữa chua chữa được cảm lạnh lại là một điều khá vội vàng.
Sữa chua còn chứa một chất tăng cường miễn dịch khác là kẽm. Kẽm có thể rút ngắn thời gian diễn ra các triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Nhưng hàm lượng kẽm phải đạt ít nhất 75 miligam mới phát huy tác dụng, trong khi 226 ml sữa chua mới chứa có 2 miligam kẽm, thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết.
Cacbon Hydrat trong sữa chua cung cấp năng lượng giúp phục hồi sức khỏe sau khi ốm. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng ở những phụ nữ ăn sữa chua hàng ngày, liên tục trong 9 tuần, những dấu hiệu viêm trong máu những người này đã giảm đi đáng kể.
Bệnh cảm lạnh nói chung và các triệu chứng của bệnh là phản ứng viêm của cơ thể chống lại virus. Sữa chua hoặc các loại thực phẩm khác giúp giảm viêm cho nên về mặt lý thuyết, sữa chua sẽ có lợi trong điều trị bệnh cảm. Mặc dù vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn mới khẳng định được điều này nhưng các chuyên gia vẫn khuyên nên ăn sữa chua khi bắt đầu có các triệu chứng như sổ mũi hoặc đau họng. Một phần cũng là do sữa chua trơn mềm, dễ nuốt xuống và mùi vị dễ ăn khi cơ thể khó chịu.
Để đạt hiệu quả cao nhất, hãy ăn sữa chua vị truyền thống cùng với các thực phẩm khác giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, việt quất và các loại quả mọng. Chế độ ăn này giúp bổ sung lượng lớn vitamin C, vitamin D, canxi và các chất chống oxy hóa, góp phần nhanh chóng đẩy lùi bệnh cảm lạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!