Không chỉ chú trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, việc hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chính quyền các địa phương quan tâm. Điều này rất cần vai trò của những người đi đầu. Người Việt Nam vẫn có câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Nhiều địa phương đã áp dụng chính mô hình này với Tổ công nghệ số cộng đồng. Những người cao tuổi có uy tín trong buôn làng sẵn sàng tiếp nhận cái mới và sau đó chia sẻ cùng con cháu mình. Đây chính là những "già làng số" trong thời kỳ mới.
Gần 40 tuổi, nhưng anh Đinh Văn Hin đã được tín nhiệm bầu vào vị trí trưởng thôn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tham gia nhiều buổi tập huấn về chuyển đổi số, già làng Hin truyền đạt lại cho bà con bằng ngôn ngữ của đồng bào.
"Già làng số" chinh là nhân tố tích cực, quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương.
"Đối với trình độ của bà con đồng bào Cơ tu ở thôn Tà Lang còn rất hạn chế, tổ công nghệ số đã đi thường xuyên đến từng nhà gặp từng người để hướng dẫn. Đến nay, thôn Tà Lang đã có 95% bà con biết sử dụng cổng thông tin điện tử, cũng như Smartphone" - anh Đinh Văn Hin (Trưởng thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) chia sẻ.
Cùng với các tổ công nghệ số cộng đồng, những người có uy tín như già làng Đinh Văn Hin được ví như cánh tay nối dài của chính quyền địa phương cập nhật kỹ năng số cho bà con.
Nhiều người trẻ ở các vùng khó khăn cũng tham gia tích cực hỗ trợ đồng bào bước vào cuộc sống số.
Công 92 là kênh youtube của một bạn trẻ Cơ Tu ở miền núi Đông Giang của Quảng Nam - A Lăng Thị Công. Nét văn hóa, nghề truyền thống, phong tục của quê hương xuất hiện trong các nội dung số của Công đã kéo theo sự quan tâm của người dân. Từ chỗ e ngại, nhiều người đã cùng tham gia xây dựng nội dung như một cách lan tỏa văn hóa.
Chị A Lăng Thị Công (Xã A Ting, Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: "Kênh của em sẽ làm thêm các clip về cuộc sống đời thường, về những kỹ năng sinh tồn. Những nội dung đó mọi người rất thích, muốn xem nhiều hơn. Những video đó sẽ nuôi video văn hóa. Hy vọng là nhiều năm sau, mọi người sẽ xem và thích".
Ở miền núi Quảng Nam, nhiều bạn trẻ như Công tình nguyện trở thành những "già làng số", một nhân tố tích cực, có khả năng hướng dẫn người khác sử dụng công nghệ và là địa chỉ tin cậy mà mọi người có thể tìm đến mỗi khi có vấn đề công nghệ phát sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!