Đo lường có vai trò quan trọng trong đời sống, được hình thành theo quy ước của mỗi dân tộc, địa phương để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…
Hệ thống đo lường (cân, đong, đo, đếm) là sự biểu hiện một cách trực tiếp và cụ thể phương thức tư duy, cách tính toán, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Hệ thống đo lường trước đây ở đồng bằng sông Cửu Long khá phong phú, cách đo lường thường theo hai hệ thống: đo lường dân gian và đo lường theo quy chuẩn.
Một tiệm sửa cân tiểu ly những năm đầu thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. (Nguồn: Bảo tàng TP Cần Thơ)
Đo lường dân gian không theo khuôn khổ nhất định, tùy theo địa phương mà dài ngắn, nhiều ít, già non khác nhau, thường dùng những phương tiện sẵn có tại chỗ như: tầm, sào, chục 10, chục 12, chục 14, chục 16… Càng về sau việc cân, đong, đo, đếm càng có tiến bộ hơn với hệ thống các loại cân, thước…theo quy chuẩn.
Trưng bày chuyên đề Đo lường trong đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long do Bảo tàng thành phố Cần Thơ thực hiện giới thiệu đến khách quan hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật qua bộ sưu tập: Cân, đong, đo, đếm được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: đồng, sắt, gỗ... từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay.
Dụng cụ đong lường làm bánh tráng Thuận Hưng. (Ảnh: Triệu Vinh)
Cách thức giao dịch cân, đong, đo, đếm của người dân Nam Bộ nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng khá phong phú, với nhiều kiểu thức khác nhau, không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật, phương pháp tư duy, tính toán, mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người đồng bằng sông Cửu Long, đó là tính phóng khoáng, linh hoạt thể hiện hòa đồng và trọng nghĩa tình của người dân trong các hoạt động trao đổi mua bán cũng như trong đời sống xã hội.
Chuyên đề trưng bày đang mở cửa phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ đến 1/8/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!