Trong số các loài sinh vật tồn tại trên Trái đất, phù du là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí sinh vật có tuổi thọ ngắn nhất.
Những loài côn trùng thủy sinh này được sinh ra từ trứng dưới dạng nhộng và sống dưới nước tới hai năm. Sau đó, chúng phát triển đôi cánh ở giai đoạn cuối cùng - giai đoạn subimago và imago trong vòng đời để giao phối. Nhiều loài phù du sống dưới 24 giờ ở dạng có cánh, trong khi một số loài thậm chí còn không tồn tại được 5 phút.
Hầu hết các loài phù du chuyển từ nước sang đất, không khí ở giai đoạn subimago và sau đó sinh sản ở giai đoạn imago. Luke Jacobus, nhà nghiên cứu và giáo sư sinh học về loài phù du tại Đại học Indiana – Đại học Purdue Columbus cho biết: “Chúng không có miệng hoặc hệ thống tiêu hóa chức năng ở cả hai giai đoạn. Thay vào đó, chúng sống nhờ vào nguồn năng lượng dự trữ được tích lũy khi còn ở dạng nhộng. Không có hệ thống tiêu hóa cồng kềnh, con cái sẽ có nhiều không gian chứa trứng hơn trong cơ thể. Tôi từng thấy một cá thể chứa nhiều trứng đến mức trứng thậm chí còn nằm trong đầu của nó. Đôi khi với với hơn 10.000 quả trứng của mỗi con cái, chúng có thể tận dụng hiệu quả thời gian trưởng thành ngắn ngủi của mình”.
Giống như các loài sống ngắn và chết non khác, loài phù du bị săn rất nhiều và cần sinh ra một số lượng lớn con non đủ để sống sót tới tuổi trưởng thành. Jacobus nói: “Hóa thạch phù du cổ đại không khác nhiều so với những gì chúng ta thấy ngày nay. Hệ thống của chúng hoạt động rất tốt”.
Heath Ogden, giáo sư sinh học tiến hóa tại Đại học Utah Valley, nói rằng loài sinh vật này xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 350 triệu năm trước. Quá trình tiến hóa đã phát hiện ra rằng đầu tư nhiều thời gian hơn ở dạng nhộng là một chiến lược thực sự hiệu quả. Ông nói: “Có vẻ như quá trình tiến hóa quyết định rằng bạn chỉ cần thu thập chất dinh dưỡng khi còn là một con nhộng. Khi trưởng thành, bạn là một cơ chế bay, sinh sản và đẻ trứng”.
Theo Cổng thông tin đa dạng sinh học của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Georgia, loài phù du đào hang cát ở Mỹ (Dolania Americaana) có tuổi thọ trưởng thành ngắn nhất so với bất kỳ loài nào từng được ghi nhận. Con đực sống được chưa đầy một giờ sau khi đến tuổi trưởng thành và con cái chỉ có 5 phút để sinh sản trước khi chết. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại tới hai năm dưới dạng nhộng trước khi sang giai đoạn trưởng thành.
Theo Bảo tàng Úc, cá bống lùn bảy hình (Eviota sigillata) hoàn thành vòng đời của chúng trong vòng hai tháng và là loài có tuổi thọ ngắn nhất so với bất kỳ loài động vật có xương sống nào được biết đến. Cá trải qua ba tuần trong cuộc đời ở dạng ấu trùng non, sau đó chúng định cư trên một rạn san hô trong một hoặc hai tuần để trưởng thành, trước khi sống không quá ba tuần rưỡi sau khi trưởng thành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!