Với đặc thù mật độ dân số đông và giá bất động sản cực đắt đỏ, người dân sống ở các đô thị Nhật Bản hầu hết cũng chỉ đủ khả năng sở hữu mảnh đất ở với kích thước khiêm tốn.
Đặc biệt, cũng giống ở Việt Nam, các khu đất này đôi khi chỉ đủ để xây dựng một ngôi nhà "siêu mỏng". Vậy các kiến trúc sư ở xứ sở hoa anh đào sẽ ứng biến thế nào với những bất động sản có nhiều hạn chế bất di bất dịch này?
Ngôi nhà "siêu mỏng" của kiến trúc sư Kouichi Kimura được giới thiệu sau đây, sẽ là câu trả lời khiến bạn phải phục sát đất trước cách thiết kế tài tình của người Nhật.
Ngôi nhà được đề cập có 2 tầng với tổng diện tích 125,24 mét vuông, nằm trên một khu đất hẹp ngang giữa tuyến phố đông đúc. Nhìn từ bên ngoài, có lẽ điểm gây ấn tượng lớn nhất chính là hình dáng khối mỏng và chiếc cửa sổ kích thước lớn mà công trình sở hữu. Cách thiết kế độc đáo này đã khiến bề ngang hẹp không còn là hạn chế mà đã trở thành chi tiết tạo nên sự ấn tượng, độc đáo nổi bật hẳn so với những ngôi nhà lân cận.
Theo chia sẻ của kiến trúc sư, chiều cao và chiều rộng của công trình đã được tính toán và thử nghiệm một cách kỹ lượng nhằm tìm ra tỷ lệ vàng đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.
Cách thiết kế lối vào là một chi tiết hết sức độc đáo khác của ngôi nhà. Theo đó, thay vì chỉ có một và nằm ở chính diện, Kouichi Kimura đã tách đôi và bố trí đối xứng nhau ở hai bên trong khi phần mặt tiền lại bịt kín.
Theo vị kiến trúc sư này, cách thiết kế cửa ra vào không giống ai của ngôi nhà sẽ tạo ra sự thuận tiện, khi ra vào từ phần sân để xe nằm hai bên. Trong khi đó, việc bịt kín mặt tiền giúp đảm bảo tính riêng tư cho không gian nội thất, bởi nó nằm ngay sát với đường phố đông đúc.
Đối lập với màu đen - được dùng để tạo sự ấn tượng - ở ngoại thất, gam màu sáng, nhẹ nhàng lại chiếm ưu thế tuyệt đối trong không gian nội thất. Chính cách phối màu này đã giúp nới rộng không gian sống về mặt thị giác, phần nào giải quyết nhược điểm về diện tích của công trình này.
Nếu như ở diện mạo bên ngoài, ô cửa kính kích thước khủng đóng vài trò làm điểm nhấn, thì với không gian bên trong, nó có nhiệm vụ đảm bảo đủ lượng ánh sáng tự nhiên ngay cả những khu vực sâu nhất!
Bên cạnh đó, sự hiện diện của các chất liệu tự nhiên, đặc biệt là gỗ tạo nên cảm giác thư giãn, ấm cúng đúng chất của một chốn đi về giữa cuộc sống thành phố hối hả và ngột ngạt.
Phần hành lang từ cửa chính dẫn sâu vào bên trong ngôi nhà và cầu thang, đồ nội thất, các phòng chức năng sẽ được bố trí một cách hài hòa ở hai bên đường dẫn này.
Hầu hết các gian phòng chính như phòng khách, phòng bếp… nằm ở tầng hai. Để ý thấy rằng, phòng khách được khéo léo bố trí ở ngay mặt tiền, nơi sáng sáng sủa nhất và có tầm nhìn rộng nhất, đẹp nhất của cả ngôi nhà!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!