Một bức ảnh được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian gần đây là hình ảnh con cá từ đầu đến đuôi bị phủ kín bởi những vật dụng bằng nhựa mà chúng ta đang dùng. Nhiều người cho đây là bức ảnh đầy tính cảnh báo, đại dương đang thực sự kêu cứu khi phải oằn mình hứng chịu rác thải nhựa. Một dự báo tồi tệ được đưa ra là đến năm 2025, trên đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Trên thực tế, ngay vào lúc này, tại nhiều vùng biển Việt Nam, ngư dân khi khai thác cũng đã thấy lượng rác xấp xỉ với lượng cá.
Đó là câu chuyện hết sức cụ thể ở những làng biển. Người làng thải rác ra biển và rồi chính họ lại phải gánh chịu những điều tồi tệ khi biển tràn ngập rác thải nhựa. Nói cách khác, con người đã tấn công biển bằng rác thải nhựa, đẩy nhiều vùng biển vào tình cảnh ô nhiễm "trắng" do túi nylon và rác thải nhựa.
Thực tế này đòi hỏi cần phải ngăn chặn ngay tình trạng xả rác thải ra biển. Hiện tại, không riêng Việt Nam mà nhiều nước châu Á cũng đang tìm mọi cách để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã có những hành động quyết liệt, thậm chí tuyên chiến với rác thải nhựa và túi nylon.
Tuy nhiên, để cứu những vùng biển trước mối nguy rác thải nhựa, theo nhiều chuyên gia, việc phải làm lúc này là tổ chức thu gom rác thải nhựa, chấm dứt ngay tình trạng xem biển là bãi rác, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nylon. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, sắp tới Luật Biển đảo sẽ được sửa đổi để tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn trong vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!