Một trong những cách thức giáo viên, cha mẹ có thể áp dụng là hướng dẫn trẻ kỹ năng làm việc nhóm ngay từ khi còn nhỏ. Qua đó, trẻ không chỉ được tự do khám phá, sáng tạo, mà còn biết quan tâm, chia sẻ và tìm được niềm vui trong học tập.
Tại một giờ học, các bạn nhỏ trở nên thực sự hào hứng khi cô giáo phân công nhiệm vụ lớp phải xây dựng một thành phố hiện đại. Các em được chia thành 3 nhóm, nhóm có nhiệm vụ xây công viên, nhóm lại quy hoạch giao thông, nhóm chịu trách nhiệm xây khu đô thị.
Sau khi hoàn thành, chỉ cần ghép các bàn lại sẽ thành một thành phố hoàn thiện. Đây là một hoạt động nhằm rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm ở trẻ.
Theo bà Phạm Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Bé Thông Minh, Yết Kiêu, Hà Nội: “Làm việc nhóm là một trong những cách giúp trẻ chia sẻ công việc với người khác. Đồng thời, trong quá trình là việc nhóm sẽ tạo cho trẻ hứng thú hơn trong công việc. Được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ có thể hòa nhập với nhiều môi trường khác nhau hơn khi đã trưởng thành”.
Giữa các trẻ với nhau thường xảy ra xung đột trong khi hoạt động chung. Điều này dễ nhận thấy trong gia đình cũng như trong lớp học. Để trẻ không khăng khăng làm theo ý của mình và chỉ hành động theo bản tính, cha mẹ cũng như giáo viên cần khuyến khích trẻ lắng nghe và chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với các bạn khác. Cần hướng dẫn trẻ phân tích vấn đề: Điều cần hay không cần, lợi ích hay không lợi ích trong từng trường hợp, như vậy trẻ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và dễ dàng phối hợp với các bạn xung quanh hơn.
Ngược lại, có nhiều trẻ lại nhút nhát và không có chính kiến riêng của mình, làm theo các bạn khác, điều này sẽ khiến trẻ mất đi cá tính riêng cũng như sự sáng tạo của bản thân. Trong quá trình làm việc nhóm, nhóm trưởng cần phân công công việc cho mỗi thành viên trong nhóm, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình công việc phù hợp với bản thân cũng như năng lực. Khi đã có lựa chọn riêng phù hợp trẻ có thể phát huy một cách tốt nhất sự sáng tạo của mình trong công việc.
Trong gia đình, chỉ có một hoặc hai con, có thể trẻ chỉ chơi một mình hoặc chỉ chơi với anh hoặc chị, em… Tuy nhiên, vẫn có thể phát huy kỹ năng làm việc tập thể của trẻ.
- Khi trẻ là con một: Lúc này gia đình gồm bố mẹ, ông bà... và trẻ là một nhóm. Cha mẹ nên phân công cho trẻ một công việc, hướng dẫn cho trẻ phải làm như thế nào, sau đó cần để trẻ phát huy khả năng làm việc cũng như sáng tạo trong công việc. Vai trò khuyến khích của bố mẹ và người thân sẽ khiến trẻ tự tin và độc lập trong suy nghĩ cũng như hành động.
- Nếu trẻ có anh chị hay em, cũng với cách thức như trên sẽ tạo cho anh chị em thân thiết hơn và vui vẻ hơn khi chơi cùng nhau. Anh chị sẽ hướng dẫn cho trẻ những kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân, ngược lại nếu trẻ là anh chị cũng sẽ khẳng định được bản thân khi hướng dẫn những điều mình biết cho em.