Dạy trẻ tự lập: Bao giờ là sớm?

Theo Người đưa tin-Thứ ba, ngày 16/10/2018 21:33 GMT+7

VTV.vn - Để trẻ em có thể phát triển toàn diện về cả sức khỏe và văn hóa, các bậc phụ huynh cần lựa chọn phương pháp dạy con hợp lý thay vì bao bọc và bảo vệ con quá mức.

Thời nay, các trường mầm non thường tổ chức các buổi dã ngoại ngoài trời nhằm tạo điều kiện cho các em nhỏ khám phá thế giới xung quanh để phát triển tính tự lập. Cha mẹ nên nhân cơ hội, cho các bé tham gia chương trình bổ ích này. Tuy nhiên để tránh trường hợp các em dựa dẫm, nhõng nhẽo, các bậc phụ huynh nên để con đi một mình với sự giám sát của các cô thay vì đi cùng để chăm sóc.

Dạy trẻ tự lập: Bao giờ là sớm? - Ảnh 1.

Trẻ nhõng nhẽo do được nuông chiều quá mức (ảnh minh họa).

Các bậc phụ huynh trẻ thường hay lo lắng cho sự an nguy của con mình, cho rằng cuộc sống ngoài kia có quá nhiều vấn đề có thể gây tổn hại đến con nên thường bao bọc quá mức. Như một hệ lụy, các bé không được tự học và tự trải nghiệm sau này lớn lên chúng sẽ rất khó hoà nhập với cuộc sống.

Một số gia đình nuôi dạy trẻ tự lập từ rất sớm. Từ khi các bé mới hình thành nhận thức các bậc phụ huynh đã hướng dẫn cho con cách tự chăm sóc bản thân. Nhờ cách thức dạy con nghiêm khắc, một số bé đã có thể tự biết mặc quần áo khi 4 tuổi. Vào độ tuổi đi học các bé đã có thể tự soạn sách vở sau vài lần hướng dẫn. Dần dần các bé hình thành tính độc lập từ sớm và sẽ trưởng thành hơn các bạn bè đồng trang lứa.

Người lớn thường cố tình làm thay con trẻ quá nhiều, cướp đi những trải nghiệm lẽ ra các em phải được trải qua. Chính vì lí do này nên có rất nhiều người đã trưởng thành rồi nhưng vẫn sống dựa dẫm, ích kỷ và ỷ lại. Những người này luôn thiếu quyết đoán và ít khi có thể tự mình làm việc gì, nếu không còn có thể dựa vào bố mẹ, họ sẽ tìm đến bạn bè hoặc những người khác để được giúp đỡ.

Thay vì hướng dẫn từng li từng tí một, các bậc phụ huynh có thể quan sát và chỉ bảo từ xa để con có thể tự đi bằng chính đôi chân của mình

Một trong những điều đầu tiên bé nên học là: Thu dọn mọi thứ sau khi bày biện ra chơi. Thay vì vội vàng giục con đi ăn hoặc đi ngủ, các bậc phụ huynh nên dành một chút thời gian hướng dẫn con cất những món đồ chơi về chỗ cũ. Dần dần sẽ hình thành thói quen cho bé và sẽ rèn luyện được tính gọn gàng, ngăn nắp trong cuộc sống.

Bắt đầu 9 tuổi là trẻ đã lớn hơn một chút và cha mẹ đã có thể cho phép các em phụ giúp làm vài việc vặt trong nhà. Lưu ý, phụ huynh cần phải lựa chọn cách tiếp cận với những công việc trong nhà để hình thành trách nhiệm và sự yêu thích thay vì ép các em làm quá mức dẫn đến sợ, ngại.

Hãy bắt đầu với những việc đơn giản, ví dụ như dọn dẹp bàn sau khi ăn. Khi các em đã ý thức được sự gọn gàng thì các em sẽ tự giác làm những công việc tương tự.

Một trong những vấn đề các bậc phụ huynh phải đối mặt trong quá trình nuôi dạy trẻ là các em ngại khổ. Cha mẹ cần phải loại bỏ suy nghĩ "đòi gì chiều nấy" trong đầu con. Cuộc sống bên ngoài vô cùng khó khăn, phải làm quen cho các em từ bé thì khi trưởng thành sẽ không bị bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, để có thể hướng dẫn trẻ tự lập cũng không phải là điều dễ dàng. Các em có thể học hỏi rất nhanh nhưng cũng rất dễ quên. Sau đây là một số mẹo nhỏ để giúp các em làm quen với những công việc nhỏ:

1. Cách sử dụng kéo

Vẽ một khuôn mặt cười vào móng tay ở ngón cái của con và giải thích cho chúng hiểu nếu cầm kéo đúng cách, con sẽ luôn nhìn thấy khuôn mặt mỉm cười.

2. Cách buộc dây giày

Đây là một công việc khá khó khăn. Để dạy con làm việc này, bạn có thể vẽ hình chiếc giày lên một tấm bìa cứng và đục những lỗ nhỏ mô phỏng đôi giày thật để trẻ có thể tập luồn và buộc dây giày.

3. Cách lựa chọn quần áo

Giúp con vui vẻ lựa chọn quần áo mỗi sớm đến trường bằng cách chụp ảnh bộ trang phục trước, sau đó cho con xem và yêu cầu chúng phải tìm, mặc bộ đồ giống như vậy. Điều này sẽ giúp công việc nhàm chán hàng ngày trở thành một trò chơi thám tử thú vị với trẻ.

4. Ghi nhớ thứ tự việc cần làm mỗi sáng

Bạn hãy chuẩn bị những chiếc cốc đánh số thứ tự. Trong đó, cốc đầu tiên đựng kem đánh răng và bàn chải, cốc thứ hai đựng khăn mặt và cốc thứ ba là lược. Nhờ việc cụ thể hóa từng bước này, trẻ sẽ không quên bất kỳ bước quan trọng nào và dần dần có thể tự thực hiện mà không cần đến chiếc cốc giúp ghi nhớ.

5. Rèn luyện thói quen đánh răng thường xuyên

Hãy vẽ một biểu đồ đánh răng, treo nó trên tường trong phòng tắm và để kèm bút màu ở đó. Yêu cầu con tô màu vào biểu đồ này mỗi lần đánh răng: tô mặt trời sau khi đánh răng vào buổi sáng và mặt trăng vào buổi tối. Có thể treo thưởng vào cuối tuần hoặc cuối tháng để tạo động lực cho trẻ.

6. Quy tắc chơi trò chơi để giữ phòng gọn gàng

Trẻ thường thích bày bừa đồ chơi khắp nhà. Để dạy chúng về tính ngăn nắp, quy ước một khu vực trong nhà, nơi trẻ có thể bày đồ chơi và đánh dấu nó bằng những đoạn băng dính màu sắc. Giải thích cho chúng quy tắc không được đặt đồ chơi ngoài khu vực đó.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước