Con rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Rồng được coi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn, cũng là linh vật đứng đầu trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng.
Tạo tác rồng độc bản trong bộ sưu tập 1.000 tác phẩm đón năm Giáp Thìn 2024.
Rồng cũng là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm để chào đón Tết Giáp Thìn 2024 với tên gọi "con Rồng cháu Tiên", được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại kết hợp với nghệ thuật sơn mài.
Tác phẩm rồng đẻ trứng vàng mang đậm ý nghĩa về văn hóa của người Việt trong năm mới 2024.
"Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên nói về xuất thân của người Việt là nòi giống rồng tiên, rồng chỉ Lạc Long Quân, tiên chỉ Âu Cơ. Đây cũng là hình ảnh dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Trong bộ sưu tập lần này, hình tượng rồng được tôi thể hiện xuyên suốt là hình tượng rồng thời Lý. Bản thân tôi rất ấn tượng với hình tượng rồng năm nay bởi đó là hình ảnh rồng thuần Việt, đồng thời thể hiện được hết tính cách của người Việt Nam", nghệ nhân Phát chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trong quá trình chế tác các tác phẩm điêu khắc sơn mài mang hình Rồng tượng trưng cho năm mới Giáp Thìn 2024.
Để cho ra một tác phẩm rồng độc bản thì phải mất khoảng 15 - 30 ngày. Đầu tiên là khâu lên ý tưởng rồi tạo hình lên gỗ sau đó mới mang đi làm sơn mài. Bắt đầu quá trình làm sơn là khảm chất liệu, khảm vỏ trứng, khảm vỏ trai hay lá đồng, đá.
Từng công đoạn được làm tỉ mỉ.
Sau đó thực hiện quét từ 7 - 10 lớp màu rồi đến công đoạn mài ra, và sau khi mài ra sẽ được dán bạc lá, vàng lá. Bước tiếp theo là phủ phẩm, phủ sơn rồi thực hiện mài nhẵn và đánh bóng thì sẽ hoàn thiện công đoạn làm một sản phẩm sơn mài truyền thống.
Chiếc ghế hình rồng (giữa) với 5 móng rồng vững chãi có giá lên tới 2 tỉ đồng.
Điểm nhấn trong bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chính là chiếc ghế được dát 2.500 lá vàng. Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam.
Chiếc ghế cao 1,65 mét, rộng 2 mét được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa, mạ vàng 24k. Toàn thân ghế được khảm vỏ cửu khổng (bào ngư), vỏ trứng…Sau khi phủ lên 10 lớp màu, để tạo sự độc đáo, khác lạ hơn nữa cho tác phẩm, nghệ nhân Phát tiến hành dát bạc, rồi lại đốt những lá bạc đó để tạo những vân đen sâu. Cuối cùng mới đến lớp mạ vàng 24k. Từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành chiếc ghế hình rồng, nghệ nhân Phát mất khoảng 2 năm để thực hiện.
Nhiều tác phẩm rồng độc bản độc đáo.
Tết đến, xuân về ẩn chứa bên trong mỗi tác phẩm nghệ thuật này là thông điệp gửi gắm niềm tin và hy vọng về những điều tốt đẹp nhân dịp bước sang năm mới. Với nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, đó cũng chính là cách để anh thể hiện sự tri ân và góp phần quảng bá du lịch cho Làng cổ Đường Lâm, mảnh đất quê hương anh gắn bó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!