Cơ sở sản xuất của nghệ nhân Lê Thanh Liêm luôn vang lên những tiếng đục, đẽo, tiếng thử mõ, ngổn ngang những khúc gỗ đủ các cỡ để chế tác. Gỗ để làm mõ thường là gỗ mít, bởi theo những người làm nghề, gỗ mít cho tiếng mõ hay và có màu vàng rất hợp duyên với màu của nhà Phật.
Với trên dưới 10 học viên, mỗi tháng, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Liêm làm được khoảng 1.500-2.000 chiếc mõ lớn nhỏ.
Nghề làm mõ nhìn qua tưởng đơn giản nhưng kỳ thực rất khó, bởi nó có những bí quyết, ngón nghề riêng. Để làm được một chiếc mõ có dáng đẹp và âm hay, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn gỗ, đục thô tạo dáng, chạm trổ, sơn sấy... quan trọng nhất là khâu tạo âm thanh, đây được xem là bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân và mỗi gia đình.
Nghề làm mõ được cho là nghề thủ công không có nhiều đất phát triển bởi mỗi chiếc mõ thường có độ bền cao từ vài chục cho đến cả trăm năm, nhưng ở đất xứ Huế - thủ đô Phật giáo của cả nước, quy tụ rất nhiều đình chùa nên nghề làm mõ vẫn được gìn giữ, bởi nơi đây có những nghệ nhân tâm huyết giữ nghề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!