Từ những chiếc lá nón tươi, qua nhiều công đoạn khác nhau sẽ trở thành nguyên liệu chính làm ra chiếc nón lá. Bất cứ làng nghề nào cũng có những bí quyết riêng của mình để làm nên những sản phẩm đặc sản riêng có.
Tất cả các công đoạn đều phải thật tỉ mỉ. Sự tỉ mỉ tiếp theo để tạo nên chiếc nón trứ danh xứ Huế nằm ở công đoạn sây nón. Quan trọng nhất để làm ra được một chiếc nón là khâu chằm nón. Chằm như thế nào cho chiếc nón tròn, đều, đẹp là những bí quyết của nghệ nhân làng nghề.
Trước đây, nghề nón là một trong những nghề chủ lực của làng Đốc Sơ nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Tuy nhiên, với tâm huyết của những người dân làng nghề, họ vẫn rất mong muốn nghề truyền thống được gìn giữ.
Với những du khách đến với xứ Huế, hầu như ai cũng rất hào hứng tìm cho mình chiếc nón lá. Có thể nói, nón lá đã trở thành một món quà tạo sự gắn kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Nón lá đã đưa hình ảnh Việt Nam đi khắp bốn phương. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nón lá ngày nay cũng đã được cải tiến với rất nhiều mẫu mã phong phú.
Nón lá Huế đã trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu với du khách mỗi khi đến Huế. Nón Huế rất đa dạng như nón vẽ, nón thêu, nón găng, nón bài thơ, nón ba lớp…
Chiếc nón lá tuy đơn giản và mộc mạc nhưng chất chứa trong đó là những nét đẹp văn hóa truyền thống của Huế và Việt Nam cùng với đó là mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của các nghệ nhân.
Xét về tính tiện dụng và linh động, nón lá có vẻ không cạnh tranh được với nhiều mẫu mã mũ, nón thời trang hiện nay nhưng những chiếc nón lá xứ Huế vẫn có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng, đặc biệt là du khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!