Có rất nhiều công đoạn như: cắt, mài, đánh bóng, khoan lỗ… để có thể biến gáo dừa bỏ đi thành những chiếc lồng đèn gáo dừa độc đáo và tinh xảo. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc lồng đèn ưng ý, người thợ phải mất rất nhiều thời gian. Riêng đối với khâu chọn dừa, người thợ phải chọn những trái dừa tròn nhưng có độ cao. Dừa đem về được cắt mặt, cạy bỏ phần cùi, mài phần xơ, đánh bóng, phủ lớp dầu dừa, đánh bóng lần hai rồi tiến hành khoan lỗ, thêm phụ kiện.
Chỉ với 20.000 đồng, khách sẽ được khắc thêm tên hoặc bất kì hình ảnh nào trên chiếc lồng đèn, chi tiết dù nhỏ nhưng là điểm nhấn của một sản phẩm thủ công truyền thống.
Những chiếc lồng đèn tuổi thơ đã được hồi sinh qua đôi bàn tay của cô gái trẻ Lê Thị Huế My (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ngọn lửa do cô thắp lên không chỉ đem đến sự lung linh cho sản phẩm thủ công truyền thống mà còn mang đến cơ hội cho chính bản thân Huế My. Việc hơn 1.000 sản phẩm được khách hàng gần xa đặt mua chứng tỏ rằng cô đã đi đúng hướng. Và những chiếc gáo dừa vô tri bỗng trở nên có giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!