Độc đáo xôi ngũ sắc ngày Tết

TCTH-Chủ nhật, ngày 03/02/2019 16:07 GMT+7

VTV.vn - Xôi ngũ sắc là một trong nhiều món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Cao Lan… ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mỗi vùng miền đều có những bí quyết để tạo màu nhằm làm ra món xôi ngũ sắc “độc và lạ”, nhưng với đồng bào Mường ở đất Tổ, thì món xôi ngũ sắc lại có những hương vị đặc trưng và biến tấu riêng cho phù hợp, không phải nơi nào cũng có được.

Với người Mường ở Phú Thọ, xôi ngũ sắc là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, mang giá trị truyền thống. Xôi có 5 màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng; tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để có đĩa xôi ngon, thơm dẻo, người làm thường là các bà, các mẹ, các chị đều phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi.

Nguyên liệu được chọn để nấu xôi phải là gạo nếp nương hạt to, trong, được ngâm kĩ trước khi nhuộm màu. Màu được tạo từ các nguyên liệu tự nhiên, trong đó chủ yếu là các hoa, lá rừng, có nơi dùng gấc để tạo màu đỏ nhưng phần lớn được tạo từ lá cẩm đỏ. Lá được chọn không được quá non hay quá già. Cùng một loại lá nhưng cách chế biến khác nhau thì tạo được hai màu khác nhau, đó là “bí quyết” riêng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc để tạo nên nét đặc trưng riêng trong món ăn này.

Học được cách làm xôi ngũ sắc từ bà ngoại cách đây mấy chục năm, bà Hoàng Thị Hương Giang, khu 5b xã Tân Phú, huyện Tân Sơn chia sẻ: "Trong quá trình nấu xôi ngũ sắc, công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cầu kì. Tuỳ vào thời gian ngâm gạo, tạo màu nước mà khi chín, xôi có các màu đậm, nhạt khác nhau, cái này thường do kinh nghiệm thực tế mới biết được. Thông thường thì ngâm gạo từ 30 - 40 phút, thấy màu đẹp thì vớt ra, để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi. Gạo sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống và thường được xôi trên bếp củi. Có thể xôi riêng từng màu hoặc cho lần lượt các màu theo thứ tự, màu tím ở dưới cùng, phía trên là màu xanh, đỏ, vàng và trên cùng là màu trắng, mỗi màu gạo cách nhau bởi một lớp lá chuối. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu xanh - đỏ - tím - vàng - trắng.

Theo chị Nguyễn Thị Tiền ở khu 2 xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, đây là một món ăn ngon, giàu giá trị văn hóa và ẩm thực, nhưng vì đòi hỏi quá trình làm khá công phu nên chỉ trong những ngày lễ, Tết người dân mới làm để cúng gia tiên và gìn giữ truyền thống của dân tộc. Ở Phú Thọ, nhiều bà, nhiều chị còn khéo léo kết hợp xôi ngũ sắc với cơm lam thành cơm lam ngũ sắc rất độc đáo. Gạo màu và nước được cho vào ống nứa rồi để sát bên bếp lửa, khi xôi chín thì cơm lam cũng chín. Sự sáng tạo của cộng đồng người Mường đã tạo nên sự phong phú trong các món ẩm thực người Mường vùng đất Tổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước