Chung sống với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên là lối sống ngày càng được đề cao, bởi sau nhiều thế kỷ mải mê khai thác thiên nhiên để phát triển kinh tế, con người đã giật mình nhận ra rằng quần thể các loài hoang dã trên toàn cầu đã giảm 2/3 từ năm 1970.
Buôn bán, giết hại động vật hoang dã, động vật quý hiếm là vấn đề được báo động từ lâu. Song không chỉ có vậy, có những hình thức tưởng chừng nhẹ nhàng, vô hại nhưng cũng là cách ứng xử thô bạo với thiên nhiên, đó là khai thác quá mức nguồn tài nguyên này để phục vụ du lịch.
Loài vật cũng có cảm xúc, biết đau, biết buồn. Nhưng con người, với nhu cầu của mình, nhiều khi lại chà đạp và vô cảm trước những điều đó. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng, nhiều chiếc bẫy thú xuất hiện liên tiếp đã được người dân và cơ quan chức năng phát hiện.
Có thời điểm, những cánh rừng bị tàn phá để xây dựng thủy điện tràn lan, thiếu tính toán làm thay đổi dòng chảy nước, thay đổi kết cấu đất, cộng với biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai, địch họa bất thường như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là nhận thức của người dân đang dần thay đổi.
Bốn chú gấu cuối cùng của Liên đoàn xiếc Việt Nam đã được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, nhằm thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc. Những loài động vật hoang dã được con người dần đưa trở lại với điều kiện tự nhiên. Bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài và cũng là bảo vệ môi trường sinh thái của con người. Hơn thế, đối xử nhân ái với thiên nhiên cũng là một cách để mỗi người nuôi dưỡng tâm hồn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!