Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ

Hồng Nhung, Mỹ Linh, Linh Chi-Thứ tư, ngày 21/02/2024 13:55 GMT+7

VTV.vn - Tranh dân gian Kim Hoàng là dòng tranh chơi Tết của Hà Nội xưa và các vùng phụ cận. Nghề làm tranh này từng thất truyền khỏang 70 năm cho tới khi được khôi phục thành công

Làng Kim Hoàng thuộc khu vực Phương Canh, Hoài Đức, Hà Đông, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, có nhiều người chuyên in và vẽ tranh để bán. Do sản xuất tranh Tết nên người làm tranh Kim Hoàng đã có những sáng tạo độc đáo của riêng mình

Phường tranh Kim Hoàng từng làm ăn khá phát đạt. Thế nhưng, một trận lụt lớn năm 1915 đã cuốn trôi và làm hỏng phần lớn ván in tranh của làng. Sau này, đói kém, loạn lạc cũng làm việc sản xuất tranh Kim Hoàng ngưng trệ và đến sau năm 1945 thì nghề tranh thất truyền hẳn.

Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ - Ảnh 1.

Maurice Durand là nhà nghiên cứu đầu tiên quan tâm đến tranh dân gian của Việt Nam từ góc nhìn khoa học. Điểm đặc biệt là tác giả giải nghĩa được những chữ Hán Nôm trên các bức tranh.

Sinh ra tại Hà Nội, Maurice Durand có cha là người Pháp và mẹ người Việt. Ông từng học tại Pháp nhiều năm, nhưng lại lựa chọn trở về làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội. Sự gắn bó với Việt Nam đã in dấu trong nhiều công trình nghiên cứu của Maurice Durand.

Cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam của tác giả Maurice Durand là công trình sưu tầm và nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam lớn nhất theo đánh giá của giới nghiên cứu. Sách xuất bản lần đầu năm 1960, được in đen trắng. Năm 2011 sách được tái bản in màu và năm 2018 đã được dịch sang tiếng Việt.

Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ - Ảnh 2.

Dù đã qua đời vào năm 1966, ông Maurice Durand đã để lại một di sản gồm hơn 400 bức tranh dân gian Việt Nam. Bộ sưu tập và nghiên cứu của ông là kho tàng quý giá để khám phá và yêu mến thế giới tranh dân gian của người dân Bắc Bộ xưa cũng như để khôi phục và bảo tồn tranh dân gian Việt Nam.

Từ năm 2016 đến 2022, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hoà và các hoạ sĩ, nghệ nhân và người dân của làng Kim Hoàng chung tay khôi phục lại các ván in tranh và đào tạo nghệ nhân nối lại việc sản xuất tranh Kim Hoàng. Chị chia sẻ: "Được xem quyển sách tranh Durand in màu, chúng tôi mới có cơ sở để phân biệt được 3 dòng tranh: Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ và dựa vào đó mới có thể khôi phục được tầm 50 mẫu tranh cổ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng".

Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ - Ảnh 3.

Theo nhà nghiên cứu Thu Hòa, Trưởng nhóm Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, khó nhất là nhuộm màu cho tranh dân gian Kim Hoàng. Chị đã in hỏng hàng nghìn tờ tranh. Sau đó, chị đã sang làng tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã chia sẻ bí quyết nhuộm tranh dân gian Đông Hồ.

Phải thừa nhận, ngày nay, không có nhiều người Việt hiện đại còn treo tranh dân gian để trang trí nhà cửa. Vì thế,  cần tìm ra phương thức để  tranh dân gian thích ứng với thị trường, với cuộc sống. Một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều dự án tâm huyết với việc đưa tranh dân gian Việt đến với đời sống

Cuối tháng Một vừa qua, nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân đã chọn áo dài tranh Kim Hoàng để giới thiệu trong bộ sưu tập áo dài Tết của mình tại Văn Miếu. Cô cũng mang những chiếc áo dài này đến với tuần lễ áo dài Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Mong muốn của cô được gửi gắm qua Bộ sưu tập là tranh Kim Hoàng sẽ trở nên nổi bật hơn, được mọi người biết đến nhiều hơn, lan tỏa tình yêu với văn hóa dân gian nói chung cũng như là tình yêu với tranh Kim hoàng nói riêng

Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ - Ảnh 4.

Áo dài lấy cảm hứng từ tranh dân gian Kim Hoàng của NTK Ngọc Hân

Chung một mong muốn khôi phục và bảo tồn dòng tranh Kim Hoàng, họa sĩ Nam Chi đang số hóa dòng tranh dân gian Kim Hoàng để có thể giữ lại sử dụng, thiết kế, ứng dụng lên ấn phẩm hiện đại.

Những bức tranh dân gian nổi tiếng của các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng nay được tôn vinh trên tà áo dài dân tộc. Không đơn giản là sao chép mà là cả quá trình để những bức tranh trở nên sống động dưới từng đường kim mũi chỉ.

Không phải là giấy dó hay là các chất liệu để vẽ tranh thông thường, sau thời gian không ngừng tìm tòi và nghiên cứu, chị Thuỳ Dương (Hà Nội) tiếp tục sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ tranh dân gian tái hiện ngay trên những chiếc bánh.

Dòng tranh Tết hồi sinh sau khoảng 7 thập kỉ - Ảnh 5.

Tái hiện tranh Kim Hoàng trên bánh

Có thể nói, sự hồi sinh của tranh Kim Hoàng một lần nữa khẳng định sức sống của tranh dân gian nói riêng và văn hoá truyền thống nói chung nhờ những giá trị độc đáo. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO xét đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024.

Làm sống dậy các làng nghề tranh dân gian trong đời sống đương đại là câu chuyện khó, không thể thực hiện một sớm một chiều. Sự tâm huyết của các nghệ nhân cần được tiếp sức bởi nhiều nguồn lực xã hội, cả về tài chính lẫn tài năng sáng tạo để tranh dân gian có thể sống một đời sống mới trong xã hội hiện đại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước