Mỗi viên gạch như một tác phẩm nghệ thuật độc bản. Ở đó có sự hòa quyện giữa nét xưa cũ của gốm Chăm với nghệ thuật đương đại, mang đến vẻ đẹp mộc mạc nhưng vẫn tinh tế, sang trọng. Tại làng gốm Chăm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, các nghệ nhân vừa đưa ra thị trường dòng sản phẩm gạch gốm Chăm, mang lại giá trị mới, góp phần bảo tồn nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ những viên gạch là tranh vẽ… Màu nâu thâm trầm, gợi nhắc bao điều xưa cũ. Nhưng, trên đó lại là những hoa văn tươi mới, mang hơi thở nghệ thuật điêu khắc đương đại.
Những bức tranh đặc biệt này, mỗi bức nặng đến gần cả kg. Thực chất đây là những viên gạch làm từ đất ở Bàu Trúc - làng gốm Chăm có tiếng ở Ninh Thuận.
Trần Khải Phong không phải là người làng Bàu Trúc, nhưng tình yêu dành cho gốm Chăm thì cũng giống như người làng. Hai năm nay, anh đã mở ra cơ sở làm gốm, và tạo nên một trong những dòng sản phẩm đang gây sốt trên thị trường chính là gạch gốm.
Anh Khải Phong (Cơ sở gốm Chăm Ninh Thuận) chia sẻ: Những viên gạch được làm hoàn toàn thủ công, được khách hàng ưa chuộng vì có nét riêng, độc lạ.
Đất cho vào khuôn để làm thành những viên gạch theo đúng kích cỡ mà khách hàng yêu cầu. Khó nhất là tạo hoa văn trên viên gạch. Các nghệ nhân phải mất đến 5 ngày mới xong các công đoạn, trước khi đưa gạch vào lò nung. Tất cả đều làm thủ công, đòi hỏi sự chịu khó và sáng tạo. Cả hai điều đó luôn sẵn có trong người làm gốm ở Bàu Trúc.
Đẹp như những bức phù điêu nghệ thuật, hơn nữa lại độc bản nên gạch gốm Chăm khi đưa ra thị trường có giá cao gấp chục lần so với gạch men thông thường.
Cuối năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Vẫn giữ cách làm gốm rất riêng của người Chăm nhưng lại tiếp nhận yếu tố mới để phù hợp với phong cách trang trí nội thất hiện nay, người làng gốm Bàu Trúc đang chọn hướng đi như vậy để giữ lại vốn quý di sản.
Làng gốm đỏ Mang Thít hồi sinh VTV.vn - Làng gốm đỏ Mang Thít, cái nôi sản xuất gạch ngói lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long một thời, đang dần được phục hồi sau một thời gian có nguy cơ mai một.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!