Gặp gỡ bác Cam - “Người nhện” của biển Nha Trang

-Thứ ba, ngày 31/12/2024 13:53 GMT+7

VTV.vn - Làng Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, mà còn ẩn chứa nhiều nghề truyền thống độc đáo.

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 1.

Bác Cam thực hành cách khai thác yến đảo.

Trong đó, nghề khai thác yến sào trên những hòn đảo ngoài khơi đã gắn bó với người dân nơi đây từ bao đời. Bác Cam, người dân làng chài Vĩnh Nguyên, gương mặt sạm nắng, vầng trán cao, ánh mắt tinh anh, là truyền nhân đời thứ 4 của một gia đình có truyền thống khai thác yến sào. Ngay từ nhỏ, bác đã theo cha ra khơi, học cách nhận biết tổ yến, cách thu hoạch mà không làm ảnh hưởng đến loài chim yến.

Tuổi thơ trên những vách đá cheo leo

"Hồi nhỏ, cái hay là được con cái được đi chơi, đi theo ba, theo đảo ra. Có nhiều lúc, ở những cái hang nhỏ, phải nhờ con nhỏ, chỉ cho con vào hái. Vậy là mình vừa được chơi, vừa được ba huấn luyện luôn, sau đó lớn lên thì cũng theo nghề hái yến đến tận lúc về hưu ", bác Cam kể lại với giọng đầy tự hào.

Kinh nghiệm từ biển cả

Theo bác Cam, nghề lấy tổ yến ngoài sự dũng cảm, khéo léo còn cần kinh nghiệm dày dặn: "Mấy ông thợ ngày xưa leo trèo giỏi lắm, các ông ấy nhớ từng mấu đá, đặt tay, đặt chân như thế nào để bước đi cho chuẩn để tới được chỗ lấy yến. Các ông nhớ từng hang từng hốc mà con Yến nó sẽ làm tổ và chỉ dạy cho con cháu. Con đi vào trong hang đó là chỗ đó, con đưa cái sào vào vị trí đó và con đưa lên để con cảm nhận chỗ đó luôn luôn có hàng ( Tổ Yến). Là người trước chỉ cho người sau. Chứ một cái hang mà một cái người không ở trong nghề mình thì sẽ không bao giờ biết cái chỗ đó, trong cái ngách đó đưa cái sào vào vị trí đó để lấy được cái hàng (Tổ Yến)  ở chỗ đó."

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 2.

Công nhân chuẩn bị khai thác yến. ( Nguồn: Cục di sản)

Nghề "cha truyền con nối"

Không chỉ bác Cam, mà vợ bác - cô Danh - cũng là một nghệ nhân trong làng nhặt lông yến. Với đôi bàn tay nhanh nhẹn, cô Danh có thể nhặt sạch từng sợi lông yến nhỏ xíu mà không làm hư hại tổ yến. Ngày xưa, khi những người đàn ông Vĩnh Nguyên vượt sóng ra khơi khai thác yến sào, thì những người vợ ở nhà lại cần mẫn với công việc nhặt lông yến. Họ dùng những cây tăm tre nhỏ xíu để gỡ từng sợi lông yến, từ những sợi lông to cho đến những sợi lông măng nhỏ li ti. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo cao. Cô Danh không chỉ truyền nghề cho con cháu trong nhà mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với các chị em hàng xóm. Ngày nay, dù đã có những dụng cụ hiện đại hơn như nhíp sắt, nhưng nghề nhặt lông yến vẫn được thực hiện hoàn toàn bằng tay, giữ nguyên những giá trị truyền thống.

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 3.

Cô Danh chỉ dẫn cho một bạn trẻ cách nhặt lông yến. ( Nguồn: Cục di sản)

Tín ngưỡng nghề nghiệp

Trong nghề yến sào, có những kiêng kỵ riêng, những từ ngữ kiêng kỵ khi đi làm nghề như họ không dùng từ ''rớt'' mà dùng từ ''chảy'', từ ''lỡ bộ'' thể hiện sự đi nhầm bước chân. Họ quan niệm rằng, việc tuân thủ những điều kiêng kỵ này sẽ mang lại may mắn và bình an cho người thợ khi làm việc trên những vách đá cheo leo, hiểm trở.

Công việc lấy tổ yến rất nguy hiểm

Vì thế, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, chịu khó, cẩn trọng và khéo léo trong từng thao tác. Công cụ, phương tiện chính để khai thác tổ yến là tàu, ghe thuyền, sào chĩa, bao vải đựng tổ yến, đèn pin, dao rựa, búa đóng găng, sợi mây... Địa bàn khai thác của nghề là tại một số hòn đảo như Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Chà Là, Hòn Đụn, Hòn Cỏ Ống, Hòn Đồi Mồi, Hòn Mun, Hòn Xà Cừ...

"Có những khối đá, có những lõm hang từ nơi nước lên là gần 50-70m-100m. Rồi dùng những sợi dây thang. Xuống đây. Rồi đu dây. Rồi mang những dụng cụ lên để mà làm sao mà lấy được cái tổ yến. Trong cái ngách này, người mình vào không có được. Phải dùng dụng cụ đặc việt là sào móc bằng thép, buộc thêm một sợi dây thép để nó có thể luồn lách rồi với buộc vào cây sào tre. Khi móc thì phải cảm nhận được là chỗ đó có hàng và móc cho cẩn thận để không bị chảy hàng. Còn đối với các tổ cao quá thì có một dụng cụ khác đó là cây chỉa sắt, được gắn vào cây tre dài, người hái sẽ chỉa tổ bằng dụng cụ này nên được gọi là sào chỉa. Để tránh tình trạng bị rớt hàng hư vỡ thì ngày xưa thường hay lấy tấm bạt làm bằng lá dừa để hứng ở dưới, ngày nay thì dùng lưới để hứng hàng", bác Cam hào hứng chia sẻ về kỹ thuật lấy tổ yến.

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 4.

Khai thác yến tại đảo. ( Nguồn: Cục di sản)

Những bữa ăn "đặc biệt" trên vách núi

Công việc lấy tổ yến rất gian nan và vất vả. Có khi phải leo trèo hàng giờ liền trên những vách đá cheo leo giữa biển khơi. Bác Cam kể lại: "Ngày xưa, khi việc khai thác yến sào còn ít kiểm soát, có những lúc mệt quá, tôi lại kiếm một tổ yến trắng sạch, thổi bụi bẩn đi rồi ăn luôn. Vị ngọt thanh mát của tổ yến như tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi vượt qua cơn mệt mỏi". Những bữa ăn "đặc biệt" ấy đã trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của bác. Tuy nhiên, bác Cam cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, việc khai thác yến sào đã được quản lý nghiêm ngặt hơn để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Giữ gìn nghề cha ông

Bác Cam say sưa kể về những ngày đầu bên cha, học cách làm giàn giáo, dụng cụ để thu hoạch tổ yến: "Và cái giàn giáo này được làm bằng tre và cột bằng dây mây. Chưa có chất liệu gì có thể thay đổi trong giai đoạn này. Người xưa đã dạy lại rằng, chỉ có dây mây mới hợp với tre, chỉ có mây mới làm nên những nút thắt siết chặt được cây tre, tạo nên sự vững chắc cho giàn giáo. Mỗi công đoạn đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Từ cách đặt hai thanh tre như thế nào cho đúng, cách thắt dây mây ra sao cho chuẩn, cách nối dây mây nối dài để quấn cây tre, cho đến cách thức hái tổ yến như thế nào cho đúng kỹ thuật... Tất cả đều được truyền dạy từ đời này sang đời khác, nhằm lấy được tổ yến một cách hoàn hảo và không bị vỡ.

Cây tre mình mua là mua tại huyện Duyên Khánh. Trong một vườn tre già thì chúng ta chỉ lựa, một lần mua như vậy chỉ mua được 600 cây trong một đầm tre của một người chủ chuyên cung cấp tre. Thì trong 600 cây tre như vậy thì chúng ta chỉ lựa ra được khoảng 80 cây cốt thôi. Cây tre khi mua về là kéo ra ngoài đảo Hòn Nội luôn và ngâm trong nước biển đến khi cây tre nó chín. Khi chất diệp lục trong cây tre mất hết đi là cây tre được vớt lên và cho vào kho bảo quản đợi tới mùa thu hoạch"

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 5.

Yến huyết đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa ( Nguồn: Cục di sản)

Nghề lấy tổ yến vất vả và nhiều rủi ro

Nhưng bác Cam vẫn yêu nghề và tự hào về công việc của mình. Bác chia sẻ: "Tôi thích cảm giác được treo mình trên vách đá, nhìn ngắm cảnh biển bao la. Nghề này giúp tôi có thu nhập ổn định và góp phần bảo tồn loài chim yến quý hiếm".

Thu hoạch yến sào - Gắn liền với bảo tồn

Đối với bác Cam, việc khai thác yến sào không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là cách để bảo tồn loài chim yến quý hiếm. Bác luôn chú trọng đến việc thu hoạch tổ yến một cách bền vững, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chim yến. Bác chia sẻ một số nguyên tắc quan trọng:

Chỉ lấy tổ trống, không lấy tổ có trứng hoặc chim non.

Thu hoạch đúng thời điểm, khi chim yến đã bay đi kiếm ăn.

Không gây ồn ào, náo động gần khu vực làm tổ của chim yến.

Vệ sinh sạch sẽ khu vực hang động để chim yến có môi trường sống tốt.

"Bảo vệ chim yến cũng chính là bảo vệ nguồn lợi từ yến sào", bác Cam khẳng định.

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 6.

Luyện tập cách buộc sào tre. ( Nguồn: Cục di sản)

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 7.

Hướng dẫn cách đi lại an toàn trên sào tre. ( Nguồn: Cục di sản)

GẶP GỠ BÁC CAM - “NGƯỜI NHỆN” CỦA BIỂN NHA TRANG - Ảnh 8.

Luyện tập cách khai thác yến. ( Nguồn: Cục di sản)

Truyền lửa cho thế hệ mai sau

Dù đã nghỉ hưu, bác Cam vẫn luôn theo sát và tự hào về những người con trai của mình - những người đang tiếp nối truyền thống gia đình, gìn giữ nghề khai thác yến sào. Bác chia sẻ, trong nghề yến, việc truyền nghề vẫn luôn được duy trì theo phương thức "cầm tay chỉ việc". Những người có kinh nghiệm sẽ trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ sau. Không phải ai cũng đủ khả năng để hái yến sào, phải là người có kỹ năng, chịu khó, gan dạ và có trách nhiệm mới được chọn làm người hái yến. Những người khác có thể làm công việc bảo vệ đảo hoặc phụ giúp khi thu hoạch yến. Bác chia sẻ: "Các con tôi đều đã thành thạo nghề và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghề yến sào ở quê hương. Tôi rất vui và an tâm khi thấy các con yêu nghề và trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình."

Bác Cam cho biết, bác mong muốn truyền lại nghề lấy tổ yến cho con cháu và góp phần bảo tồn nghề truyền thống của quê hương. Bác cũng hy vọng sẽ có nhiều người biết đến và trân trọng những giá trị văn hóa đặc sắc của làng chài Vĩnh Nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước