Kỳ lân trong văn hóa phương Tây hay còn gọi là ngựa một sừng, với hình dáng phổ biến được biết đến như là một con ngựa trắng, có một sừng trên trán hoặc có thể có hai cánh. Còn trong văn hóa phương Đông, con kỳ lân rất khác về ngoại hình, là sự kết hợp của nhiều loài động vật khác nhau. Phần lớn hình ảnh kỳ lân được khắc họa có sừng của loài nai, mũi sư tử, tai chó, trán lạc đà. Những đặc điểm này chứng tỏ kỳ lân là con vật chỉ tồn tại trong huyền thoại. Có một loài sinh vật được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào năm 1992 được mệnh danh là "kỳ lân châu Á", đó chính là Sao La.
Cụ thể, vào tháng 5/1992, Sao La được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn Quốc gia Vũ Quang. Phát hiện này có ý nghĩa đặc biệt vì giới khoa học cho rằng khó lòng hi vọng tìm được loài động vật có vú nào trong các đợt khảo sát từ năm 1980 đến năm 1990 tại khu vực rừng núi Trường Sơn, nơi trước kia đã xảy ra chiến tranh ác liệt. Đây là một trong những phát hiện về động vật quan trọng nhất thế kỷ XX, mang ý nghĩa lịch sử với ngành khoa học vì trong suốt 100 năm trước đó, chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện mới mà thôi.
Sau này, Sao La được tìm thấy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Công hòa dân chủ nhân dân Lào. Do là loài đặc hữu chỉ sinh sống trên dãy Trường Sơn miền trung Việt Nam và phía Nam nước Lào, Sao La có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN và trong Sách Đỏ của Việt Nam.
Năm 1993, những mô tả khoa học đầu tiên về loài sao la đã được xuất bản. Lúc đầu sao la được gọi là Dê Sừng dài. Vì là loài động vật mới được phát hiện, các nhà khoa học đã đề nghị một tên giống mới thuộc một chi mới do sự tương tự với các loài linh dương. Tuy nhiên, cái tên Sao La như chúng ta hay gọi lại có cách lý giải khá thú vị.
Sao La trưởng thành dài khoảng 1m3-1m5, cao 0,9m, nặng khoảng 100kg, có bộ lông màu sẫm, sừng dài. Các nhà khoa học đánh giá, Sao La là một trong những loài chỉ thị của cánh rừng nguyên sinh chưa bị con người tác động. Có lẽ nguyên nhân là do chúng rất nhạy cảm, cặp sừng dài đẹp dễ bị săn bắt nên không thể sống ở khu rừng bị xâm hại. Người dân địa phương gọi loài này là Dê Sừng dài, nhưng có giả thuyết cái tên Sao La là do cặp sừng của loài động vật này rất giống với xe sợi dệt vải của người dân tộc Thái có tên gọi là sao la.
Theo các nhà bảo tồn, hình thái của loài sao la khá đẹp và độc đáo trong bộ móng guốc, đặc biệt là cặp sừng dài và mảnh hướng về phía sau. Cặp sừng này có thể dài tới hơn nửa mét ở con trưởng thành và có lẽ đây là lí do chúng bị săn bắt, cũng là lí do các nhà nghiên cứu mệnh danh chúng là loài kỳ lân trong huyền thoại.
Vào năm 1996, người dân Hà Tĩnh bắt được một con sao la, chuyển về Viện Điều tra Quy hoạch Rừng ở Hà Nội nuôi nhốt để nghiên cứu tập tính cũng như chuỗi thức ăn của loài mới này. Tuy nhiên, con sao la đã không thể sống trong điều kiện nuôi nhốt. Như vậy, đời sống của loài này vẫn là những dấu hỏi cho các nhà bảo tồn.
Có lẽ Sao La là loài động vật quý hiếm từ khi được phát hiện nhưng cơ hội quan sát được chúng ở trong thiên nhiên vô cùng hiếm hoi. Sau khi được phát hiện vào năm 1992, đến năm 1996 người dân Hà Tĩnh mới bắt được một con sao la khác để chuyển về Viện nghiên cứu (tuy nhiên sau 6 tháng nghiên cứu đã chết). Đến năm 1998, các nhà bảo tồn mới ghi lại được hình ảnh đầu tiên của sao la trong tự nhiên bằng máy ảnh tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Đến năm 2013, một con sao la bị mắc bẫy được thả về tự nhiên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau 15 năm, không ghi nhận thêm được thông tin mới, giới nghiên cứu bảo tồn tưởng chừng Sao La đã bị tuyệt chủng thì chúng lại xuất hiện. Tấm ảnh đen trắng được ghi lại từ màn hình cảm biến được WWF và Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam ghi lại cho thấy hình ảnh một con Sao La đang đi ăn. Một hi vọng mới về việc bảo tồn loài động vật đặc hữu quý hiếm này lại được thắp lên, song song với việc hồi sinh những cánh rừng trung Trường Sơn ở Việt Nam và Lào. Nhiều tờ báo nổi tiếng thế giới cũng đã đưa tin về sự trở lại của loài sinh vật này.
Là sinh vật vẫn còn nhiều bí ẩn với các nhà sinh học, những lần nhìn thấy Sao La trong tự nhiên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian qua, mọi người lại thấy hình ảnh của sinh vật Sao La khá đáng yêu xuất hiện trên đường phố Hà Nội sau sự kiện SEA Games 31. Việc sử dụng hình ảnh của loài sinh vật này làm linh vật cho SEA Games 31 không chỉ thể hiện sự quý hiếm, nhanh nhẹn của loài này mà còn lan tỏa được thông điệp về nỗ lực bảo vệ thiên nhiên của chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!