Từ xa xưa, sứ mạng của mỗi cây cầu là kết nối đôi bờ, giúp mọi người dễ dàng qua lại hai bên. Ở thời nào cũng vậy, nhân loại luôn khao khát chinh phục thiên nhiên và sự trường tồn của những cây cầu như một lời khẳng định về sự kiêu hãng và tài năng sáng tạo của con người. Ở mỗi địa phương đều có những cây cầu mang tính biểu tượng và với Hà Nội, hình ảnh của cây cầu Long Biên vẫn là một hình ảnh thân thương không thể không nhắc tới.
Ý tưởng táo bạo hình thành cầu Long Biên
Ngược dòng lịch sử về cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn thành cuộc xâm lược và áp đặt chế độ thống trị lên toàn xứ Đông Dương, thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa lần 1. Để phục vụ cho mục tiêu này, năm 1897, Paul Doumer - bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp - được cử tới Đông Dương làm toàn quyền, một mặt muốn nâng giá trị các nguồn tài nguyên thuộc địa, một mặt đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Vị toàn quyền này có một ý tưởng táo bạo, đó là thiết lập tại Bắc Kỳ một hệ thống đường sắt hội tụ về Hà Nội.
Xây dựng một cây cầu nối hai bờ sông Hồng dường như là một nhiệm vụ bất khả thi lúc bấy giờ vì hai bên bờ sông cách nhau đến 1,5km, rộng như một cửa biển sâu hơn 20m. Không chỉ có các quan lại phong kiến An Nam mà ngay cả những vị quan chức Pháp cũng tỏ ra hoài nghi về ý tưởng táo bạo này
Tờ báo Thư tín Hải Phòng ngờ vực về ý tưởng xây dựng cầu Long Biên.
12/9/1898, viên đá đầu tiên chính thức được đặt với nghi lễ vô cùng long trọng. Chỉ sau đó hơn 3 năm, vào 8h30 sáng 28/2/1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội đưa vua Thành Thái toàn quyền và đoàn tùy tùng lên tàu. Tại lối lên cầu, các quan khách an tọa trên một khán đài trang trí hoa và cờ để nghe diễn văn của Thống sứ Bắc Kỳ. Như vậy, chỉ trong hơn 3 năm, cây cầu hoàn toàn bằng thép không tính hai đầu cầu dẫn đã mọc lên, không chỉ trở thành cây cầu lớn nhất của cả xứ Đông Dương mà còn là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Thực hư câu chuyện cầu Long Biên là "Tháp Eiffel nằm ngang" của Hà Nội
Nhắc đến cầu Long Biên với kết cấu sắt và hình thù nhấp nhô của những nhịp cầu độc đáo, nhiều người lập tức liên tưởng đến Tháp Eiffel của Pháp. Cũng từ đây, nhiều người vẫn cho rằng công trình do chính kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel thiết kế. Thậm chí, một số còn ví von vui rằng cầu Long Biên là "Tháp Eiffel nằm ngang" của Hà Nội.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là Gustave Eiffel đã từ chức và rúi lui khỏi công ty của mình vào ngày 14/2/1893, tức là trước khi ý tưởng xây dựng cầu Long Biên được đề xuất. Sau khi Eiffel từ chức, công ty của ông đã đổi tên.
Năm 1897, khi đấu thầu xây dựng cầu Long Biên, công ty này là một trong sáu nhà thầu tham gia nộp bản vẽ thiết kế.nhưng kết quả là công ty này không trúng thầu. Công ty trúng thầu là Dayde & Pille, hiện biển tên vẫn còn trên cây cầu như một minh chứng lịch sử
Dayde & Pille là công ty chịu trách nhiệm xây dựng cây cầu Long Biên của Hà Nội, không phải Eiffel và công ty của ông.
Trong các bản vẽ thiết kế cầu Long Biên có các chữ ký gốc của các kĩ sư Dayde & Pille và chữ ký gốc phê duyệt bản vẽ của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, không có chữ ký nào của Eiffel. Do vậy, Eiffel và công ty của ông không phải là tác giả thiết kế và cũng không tham gia xây dựng cầu Long Biên.
Dayde & Pille là 1 trong 6 công ty xây dựng cầu đường lớn tại Pháp tham gia đấu thầu cầu Long Biên. Các công trình nổi tiếng mà công ty này từng thực hiện là cầu Bir Hakeim (1905), cầu Mirabeau (1896), mái vòm gian giữa của cung điện lớn Grand Palais (1900)...
Điều kiện khắc nghiệt xây dựng cầu Long Biên
Nói về quá trình xây dựng, 3 năm 7 tháng là một quãng thời gian không dài, không ngắn, song, lại rất nhiều vất vả để có thể xây dựng một công trình vĩ đại trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ. Một trong những khâu khó khăn và nguy hiểm nhất chính là xây dựng trụ cầu.
20 trụ cầu sâu hơn 30m so với mặt nước vào mùa cạn là thách thức rất lớn. Để công nhân có thể làm việc trong điều kiện áp suất cao và thiếu oxy dưới đáy hố móng, các kĩ sư đã chọn thợ người Việt vì khả năng chịu đựng dẻo dai.
Những người thợ rèn làng Hòe Thị vốn quen làm cái cuốc, con dao, cái kéo, nay thành thợ tán đinh tài giỏi, nối những nhịp cầu. Cầu hoàn thành thì phố Lò Rèn, Hàng Đồng, Hàng Thiếc cũng sầm uất làm ra những hoa văn sắt điệu đà, hoa văn cửa đẹp như tác phẩm mĩ nghệ xuất hiện trên các con phố Hà Nội. Những phố Hàng đã bắt đầu như vậy, những người thợ phố Hàng đầu tiên cũng bắt đầu như thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!