Sau 2 năm dịch bệnh, du khách đã trở lại với làng gốm Bát Tràng, trong đó, các bạn trẻ cũng dành thời gian rảnh rỗi để trải nghiệm hoạt động nặn gốm tại đây. Nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ đã được lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng giới trẻ.
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt - điểm nhấn mới của làng nghề Bát Tràng
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt số 28 (thôn 5, làng cổ Gia Lâm Bát Tràng, Hà Nội) có diện tích 3.700m2, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đã trở thành điểm đến thú vị, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm và tham quan.
Công trình được thiết kế với hai chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng cùng với các sản phẩm tinh hoa của làng gốm, làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước.
Những sản phẩm gốm từ thời kì trước.
Hiện vật được lưu giữ lại rất cẩn thận trong không gian bảo tàng.
Bên cạnh các gian trưng bày, trung tâm còn có các khu chức năng dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ…
Những sản phẩm đồ gốm mang phong cách hiện đại cũng được trưng bày tại bảo tàng.
Trải nghiệm nặn gốm “hiện đại” tại Trại sáng tác - Bàn Xoay Studio
Ngoài dịch vụ nặn gốm tại chính trong sân của nhà dân tại làng cổ Gia Lâm (Bát Tràng), các bạn trẻ có thể đến với dịch vụ trải nghiệm mới, hiện đại với không gian độc đáo và thu hút tại tầng G của công trình văn hóa này.
Bàn Xoay Studio (Trại sáng tác) với tên gọi khác là trải nghiệm “Tôi làm nghệ nhân”, là không gian để du khách được tự tay nhào nặn, cho ra những sản phẩm bằng gốm và được nhận thành phẩm mang về ngay tại chỗ. Tại đây, các bạn sẽ được hướng dẫn những bước cơ bản để sử dụng bàn xoay, các thao tác với đất sét để có thể tạo hình được những sản phẩm mình mong muốn.
Bạn Đỗ Thị Thu Ngân, sinh viên khoa Tài chính - Doanh nghiệp (Học viện Tài chính) chia sẻ: “Mình chưa bao giờ tìm hiểu về việc nặn gốm tại Bát Tràng trước đây, nhưng sau khi hoạt động này nổi trở lại trong giới trẻ, mình rất muốn thử một lần. Đây là trải nghiệm khá vui và đáng nhớ đối với mình, và mình nghĩ các bạn trẻ nên đến và tự tay học nặn gốm một lần.”
Thu Ngân đang tạo hình cho sản phẩm của mình.
Hoạt động này giúp những ai chưa biết đến công việc nặn gốm có cơ hội được rèn luyện tính kiên trì và sự khéo léo trong quá trình tạo ra những sản phẩm từ những cục đất sét thô sơ, không hình dạng. Tỉ mỉ, chăm chút từng cú xoay bàn nặn, điều chỉnh lượng nước pha sao cho vừa đủ, cho đến việc tạo hình và chi tiết cho tác phẩm cũng mất rất nhiều thời gian và công sức.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, nhân viên tại Bàn Xoay Studio ccho biết: “Thường khách ở đây thì sẽ trong độ tuổi 26 tuổi đổ lại, hầu hết là các bạn trẻ. Các bạn ấy thường đi theo nhóm, một mình cũng có nữa. Thời gian gần đây, bên mình nhận khá nhiều lượt khách trẻ như vậy.
Ngoài ra các gia đình cũng hay đưa các con đến, hỗ trợ các em bé làm sản phẩm của riêng mình. Mình thấy các bé cũng rất thích thú".
Rất nhiều bạn trẻ đến Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt để trải nghiệm nặn gốm.
Các cặp đôi tham gia trải nghiệm cũng khá nhiều.
Cả gia đình đi trải nghiệm nặn gốm tại Trại Sáng tác.
“Để nói đến điểm thu hút của việc nặn gốm, theo mình thì chính là ở sự tò mò của các bạn ấy. Đối với mình, thì được thử tự tay nặn một sản phẩm bằng gốm giúp mình kiên nhẫn và tỉ mỉ hơn rất nhiều, và mình nghĩ các bạn trẻ hiện nay đang cần những thứ đó” - anh Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ (nhân viên tại Bàn Xoay Studio)
Không chỉ là một điểm du lịch mới với kiến trúc độc đáo, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt nói chung và dịch vụ nặn gốm nói riêng được đánh giá sẽ trở thành xu hướng đối với các bạn trẻ trong thời gian tới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!