Ở ĐBSCL, đồng bào người Chăm tập trung chủ yếu tại tỉnh An Giang với khoảng 17.000 nhân khẩu. Cộng đồng dân tộc Chăm được đánh giá là một cộng đồng hòa nhã, thân thiện, sống hòa nhập với những dân tộc khác nhưng vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, không pha trộn với bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Tại một trong những ngôi nhà sàn lâu đời nhất ở xóm Chăm Châu Phong (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang), tuổi đời đã hơn trăm năm, ông Muhamap Yusuf thuộc thế hệ thứ 4 lớn lên ở đây. Chịu nắng, phơi mưa gần 100 năm, ngôi nhà vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc truyền thống nhờ độ bền của vật liệu xây cất và ý thức bảo tồn của các thế hệ chủ nhân.
Anh Mohamed Arifin là thế hệ thứ 5 trong nhà. Giảng đường Đại học và công nghệ Internet đã giúp anh trở thành người trẻ năng động với tư duy tiến bộ. Có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếp cận các kiến trúc hiện đại và tiện nghi nhưng Arifin vẫn muốn giữ lại nguyên vẹn nét cổ xưa của ngôi nhà.
Theo Arifin, họa tiết trong ngôi nhà này lấy ý tưởng từ thiên nhiên, như: cỏ, cây, hoa, lá hay trăng, sao trên trời, đều hàm ý giáo dục con cháu và mang ý nghĩa tâm linh.
Mái hiên trước nhà của Arifin không chỉ là nơi hóng mát sáng chiều, mà còn dạy dỗ con cháu bài học về sự thân thiện với hàng xóm láng giềng. Ngồi ở đây, người trong nhà có thể vẫy tay chào hỏi bà con qua lại bên dưới.
Giữ lấy nếp nhà cũng chính là giữ lấy những giá trị truyền thống mang hồn dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!