Những viên đá thô ráp được bàn tay tài hoa của người Mông xếp đặt tạo thành một nét văn hóa hàng rào đá đặc sắc hiếm có.
Sau mùa ngô thu hoạch tốt, gia đình anh Hạ Mỹ Sử, thôn Cho Do, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, đã quyết định xây một căn nhà mới để ăn Tết. Gia đình anh quan tâm nhất là hàng rào đá, được xếp bằng tay tỉ mỉ, không xi măng và cát, nhưng vẫn hiên ngang trở thành lũy chắn che chở cho ngôi nhà.
Không chỉ là những hàng rào để che chắn, chúng còn được coi là cách để trang trí thêm cho ngôi nhà. Nhiều hộ gia đình còn trồng thêm những nhánh hoa, cành cây mọc trải dài bên cạnh hàng rào.
Hỏi nhiều người trong bản không ai biết hàng rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông học cách làm từ đâu, chỉ biết ai sinh ra, lớn lên trên cao nguyên đá, khi lập gia đình riêng, việc thứ hai sau khi dựng nhà ai cũng phải biết là làm rào đá.
Những ai từng một lần đến với Hà Giang hẳn đều rất ấn tượng với cuộc sống nơi cao nguyên đá, hơn cả những gì họ đã từng đọc hay tìm hiểu trước đó. Bốn bề đều là đá, khiến những hòn đá trở nên thân thương, gắn bó với cuộc sống bà con nơi đây. Và qua bàn tay khéo léo của con người, đá ở đây trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, phải kể đến những hàng rào đá của người Mông ở Hà Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!